Nước sông đục ngàu
Sông Đa Nhim chảy qua địa phận nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đơn Dương. Đây là vùng trồng rau chủ lực của tỉnh Lâm Đồng, cung cấp rau xanh cho thị trường các tỉnh, thành phía Nam. Con sông này lại là nguồn cung cấp nước tưới chính cho hoạt động sản xuất rau màu ở địa phương. Thế nhưng, trong hơn một tháng nay, nước sông Đa Nhim, đoạn qua hai thôn La Bouye A và Diom B (xã Lạc Xuân) dài hàng km bị vẩn đục nặng nề bởi hoạt động khai thác cát của một doanh nghiệp khiến người dân vô cùng bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Lành, có vườn rau diện tích 1,5 ha tại thôn Diom B phản ánh, nước đục đến nỗi tưới lên y như có bùn bám trên cây, ảnh hưởng nặng nhất là những loại rau ăn lá như bắp cải, xà lách. Tình trạng này nếu cứ tiếp diễn, nhiều hộ dân sẽ bị mất mùa, không thu hoạch được gì cả.
Tương tự, theo bà Phan Thị Cấp (thôn La Bouye A), người dân trong vùng bắt buộc phải lấy nước từ sông lên để tưới rau chứ không còn nguồn nước tưới nào khác. Nước sông đã trở thành nước bùn cũng phải hút lên hồ chứa để lắng, lấy nguồn nước tưới cây chống chọi trong cao điểm mùa khô hạn như hiện nay.
Hơn một tháng nay, ông Vũ Đăng Ngàn (thôn La Bouye A) cũng than trời vì vườn rau, hoa rộng hơn 1 ha bị ảnh hưởng nặng do nguồn nước sông Đa Nhim bị ô nhiễm. "Bơm nước từ sông lên tưới cây, nước bùn đọng trên lá, ngọn cây khiến rau, hoa sinh trưởng kém. Chúng tôi cũng không biết khắc phục kiểu gì, lâu lâu Nhà máy thủy điện xả nước về nước trong lại. Được vài ngày, hoạt động hút cát tiếp tục, nguồn nước đục trở lại" - ông Ngàn than thở.
Huyện mới chỉ đạo miệng
Ngày 1/4, có mặt tại đoạn sông Đa Nhim, phóng viên chứng kiến nguồn nước bị đổi màu như màu bùn, kéo dài khoảng 1 km, gây ảnh hưởng trực tiếp cho nguồn nước tưới tiêu của hàng chục hộ dân hai bên bờ sông. Lòng sông đã bị thu hẹp do khô hạn nhưng hai tàu cỡ lớn vẫn thường trực, sẵn sàng "vươn vòi bạch tuộc" hút cát lên bờ. Nghiêm trọng hơn, doanh nghiệp đang hút cát còn tự ý đắp một đập đất, chiều dài khoảng 5 m, bề mặt rộng khoảng 2 m chặn ngang dòng sông Đa Nhim. Hoạt động này đã khiến nhiều hộ dân ở phía sau con đập không có nước để tưới cho rau màu.
Theo quan sát tại bãi tập kết cát, doanh nghiệp thực hiện việc xả thải ngay tại chỗ, nước bùn sau khi rửa cát theo ống dẫn chảy thẳng xuống lòng sông, không qua xử lý hay lắng lọc. Ngoài nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng, hai bên bờ sông xuất hiện nhiều điểm sạt lở, hở hàm ếch, rất nguy hiểm, nhất là khi mùa mưa lũ sắp tới.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vị trí khai thác cát này được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lê Văn Oai Lâm Đồng (trụ sở tại huyện Đơn Dương) với diện tích khu vực khai thác là 11,3 ha (tương đương 5,7 km chiều dài lòng sông) bắt đầu từ ngày 30/11/2020. Thời hạn khai thác kéo dài 14 năm 5 tháng với công suất 6.700 m3 cát, sỏi, cuội nguyên khối/năm.
Quyết định cấp phép cũng ghi rõ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lê Văn Oai Lâm Đồng phải lắp đặt bảng thông báo, công khai thông tin về tọa độ, diện tích khu vực khai thác; thời gian hoạt động trong ngày, tên phương tiện khai thác; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và chịu trách nhiệm bảo đảm các nguồn gây ô nhiễm, toàn bộ chất thải ra môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam. Công ty phải thực hiện việc lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác, báo cáo đúng sản lượng khai thác và có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng đường xá vận chuyển đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết những quy định này không được đơn vị khai thác thực hiện đầy đủ. Đặc biệt, việc vận chuyển khoáng sản ra ngoài đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chuyên chở nông sản của bà con trong vùng.
Ông Đinh Viết Sơn (thôn La Bouye A, xã Lạc Xuân) phản ánh, quá bức xúc trước việc xe ben chở cát ngày ngày đi qua con đường bê tông rộng 2,5 m do nhân dân góp tiền làm nên người dân đã dựng một barie hạn chế chiều cao, không cho xe chở cát đi qua. "Có tuyến đường lớn của Nhà nước làm mà họ không chịu đi mà suốt ngày đi đường chúng tôi làm, một ngày đi mấy chục lần, vừa gây mất an toàn, vừa ảnh hưởng đến con đường của nhân dân" - ông Sơn nói.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Hoàng Công Hiếu, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đơn Dương cho biết, Phòng mới nhận được báo cáo từ xã Lạc Xuân và đã cùng lãnh đạo địa phương đi kiểm tra thực tế nhưng chưa lập biên bản, chỉ yêu cầu đơn vị khai thác sớm khắc phục việc gây ô nhiễm nguồn nước. Những vi phạm của đơn vị khai thác cát, Phòng mới ghi nhận và chưa có báo cáo chính thức gửi Sở Tài nguyên Môi trường.
"Tuy nhiên, ghi nhận đến nay, chất lượng nguồn nước tưới của nhân dân vẫn chưa được đảm bảo nên sắp tới cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, khảo sát trở lại và yêu cầu doanh nghiệp phải khắc phục triệt để. Nếu không thực hiện, đơn vị này sẽ bị đình chỉ hoạt động khai thác cát" - ông Hiếu cho biết thêm.
Hiện nay, hơn 50 hộ dân bị ảnh hưởng nhất từ hoạt động khai thác cát đã làm đơn tập thể gửi chính quyền địa phương và các cơ quan báo chí. Nội dung trong đơn nêu lên hậu quả nếu hoạt động khai thác cát trên không được xử lý kịp thời, hoạt động sản xuất của các hộ dân này sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng, có thể phải dừng sản xuất trong vụ rau tới.