Tại Kỳ họp các đại biểu đã thảo luận và thống nhất thông qua các nghị quyết, gồm: phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Khẩn cấp di dân ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, đặc biệt khó khăn ở thôn Bản Bung (xã Thanh Tương, huyện Na Hang); thông qua chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Chiêm Hóa, huyện Lâm Bình và thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình; điều chỉnh địa giới hành chính các xã Thắng Quân, Lang Quán, Tứ Quận để thành lập thị trấn Yên Sơn thuộc huyện Yên Sơn;
Quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; phương án phân bổ Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021, tỉnh Tuyên Quang; bổ sung danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch đầu tư và xây dựng năm 2020 tỉnh Tuyên Quang…
Dự án Khẩn cấp di dân ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, đặc biệt khó khăn thôn Bản Bung (xã Thanh Tương, huyện Na Hang) có tổng mức đầu tư ban đầu 80 tỷ đồng, bằng vốn ngân sách trung ương và địa phương, thời gian thực hiện dự án từ 2021 - 2024. Dự án nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn cho các hộ nằm trong vùng nguy hiểm, tạo điều kiện cho các hộ dân có chỗ ở mới ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, chấm dứt tình trạng phá rừng làm nương rẫy góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của xã Thanh Tương, huyện Na Hang nói riêng cũng như của tỉnh Tuyên Quang nói chung và tạo nền tảng cơ sở hạ tầng để phát triển khu du lịch sinh thái Bản Bung, xã Thanh Tương.
Quy mô đầu tư của Dự án bao gồm: quy hoạch mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, diện tích khoảng 2,5 ha, san ủi mặt bằng khu dân cư đủ để bố trí sắp xếp, ổn định chỗ ở cho 49 hộ dân (có tính đến dự trữ diện tích đất để phát triển, mở rộng cho tương lai) và các công trình hạ tầng kỹ thuật; xây dựng hệ thống đường giao thông nội khu kết nối với đường trục từ trung tâm xã đến Bản Bung chiều dài khoảng 3 km và đường giao thông phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng với chiều dài khoảng 7,5 km; nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước hiện có để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt; xây dựng hệ thống công trình thủy lợi (bao gồm đập đầu mối và hệ thống kênh tưới) phục vụ tưới tiêu cũng như mở rộng diện tích đất sản xuất, quy mô công suất đảm bảo phục vụ tưới cho 28 ha đất sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ khai hoang, ổn định cuộc sống lâu dài cho nhân dân…
Phát biểu tại kỳ họp, bà Phạm Thị Minh Xuân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang, nhấn mạnh, những nghị quyết trên có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, góp phần tăng thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển toàn diện bền vững trong thời gian tới.
Ngay sau Kỳ họp UBND tỉnh, các ngành chức năng cần sớm có kế hoạch triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh. Các cấp, các ngành cũng cần phối hợp tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp tới cử tri và nhân dân; tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai, thực hiện các dự án; nêu cao trách nhiệm trước cử tri, thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của người đại biểu nhân dân… để các nghị quyết của HĐND tỉnh được triển khai hiệu quả.