Xóa điểm “trắng đảng viên"
Thời gian qua, ba vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã được Đảng, Nhà nước và các địa phương quan tâm đầu tư phát triển về nhiều mặt. Tuy nhiên, ở khu vực biên giới còn nhiều hạn chế so với các địa bàn khác. Trong khi, hệ thống chính trị cơ sở ở nhiều địa phương còn yếu, đặc biệt tổ chức đảng và đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc vừa mỏng vừa yếu; nhiều thôn, buôn "trắng đảng viên" và chưa đủ đảng viên để thành lập chi bộ; công tác phát triển đảng viên là người dân tộc còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ ở cơ sở ở một số địa bàn năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bộ đội biên phòng "4 cùng" với bà con dân tộc thiểu số khu vực biên giới để tuyên truyền, phổ biến pháp luật. |
Đặc biệt, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên các tuyến biên giới hiện vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Các thế lực thù địch và phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, thiếu hiểu biết về pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình"; gây chia rẽ khối đoàn kết giữa các dân tộc, làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước...
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có các Nghị quyết, Chỉ thị về xây dựng, củng cố, phát triển Đảng ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, hiện nay, toàn vùng có trên 600.000 đảng viên, trong đó có 50% đảng viên là người dân tộc thiểu số. Các cấp ủy, chính quyền tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Địa bàn trọng yếu, biên giới, vùng cao đã tăng dần số lượng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, giảm dần và tiến tới không còn tổ chức cơ sở Đảng yếu kém.
Ông Hầu A Lềnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc khẳng định: “Những năm qua, vùng Tây Bắc đã có sự khởi sắc trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Đạt được kết quả đó là nhờ công tác củng cố và xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền được các cấp quan tâm, chú trọng. Tổ chức Đảng ở địa phương được xây dựng vững mạnh, chất lượng đảng viên được nâng cao, tạo lòng tin và là cầu nối quan trọng giữa Đảng với đồng bào các DTTS khu vực biên giới”.
Số thôn, bản chưa có chi bộ giảm dần, đã xóa được nhiều thôn, bản "trắng" đảng viên. |
Tại vùng Tây Nguyên, các địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng ở các thôn, buôn, bon, làng để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn. Nổi bật là tăng cường, điều chuyển đảng viên về sinh hoạt Đảng ở chi bộ buôn, làng. Thông qua những công việc cụ thể, trong Nghị quyết, các chi bộ đều nêu rõ việc phân công công tác cho đảng viên theo dõi, cùng phối hợp thực hiện theo kế hoạch. Tính đến cuối năm 2015, toàn vùng có gần 2.300 đảng viên đang thực hiện nhiệm vụ tăng cường, điều chuyển về sinh hoạt đảng ở chi bộ buôn, làng.
Ông Điểu Kré, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: “Để nâng cao vai trò của tổ chức Đảng, các tỉnh Tây Nguyên đã phân công đảng viên ở các cơ quan, đơn vị về cùng sinh hoạt với các chi bộ các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Qua thời gian sinh hoạt, các chi bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt định kỳ, lãnh đạo và chỉ đạo, hướng dẫn đồng bào tập trung phát triển sản xuất, nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (bình quân mỗi năm giảm gần 4%), an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo”.
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có 99,85% thôn, buôn có chi bộ, 99,75% thôn, buôn có đảng viên; bình quân mỗi năm toàn vùng Tây Nguyên kết nạp trên 5.000 đảng viên mới, tỷ lệ đảng viên là người dân tộc thiểu số, đảng viên có đạo được kết nạp ngày một tăng cao. Vùng Tây Nguyên hiện có 200.223 đảng viên, trong đó có 36.406 đảng viên người dân tộc thiểu số, 6.061 đảng viên là người có đạo, 65.915 đảng viên nữ và 51.625 đảng viên trong độ tuổi thanh niên.
Ở vùng Tây Nam Bộ, trên cơ sở quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống chính trị cơ sở, chất lượng hoạt động ở các địa phương chuyển biến tích cực. Nhiều tổ chức cơ sở đảng phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Theo ông Sơn Minh Thắng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng được các địa phương đặc biệt quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Thời gian qua, hoạt động của tổ chức đảng và chính quyền các cấp ngày càng đi vào nền nếp, nâng cao hiệu quả năng lực lãnh đạo, chỉ đạo; làm cho mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn. Những nỗ lực đó đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của cả vùng Tây Nam Bộ.
Chú trọng vùng biên giới
Biên giới quốc gia có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Biên giới quốc gia vững mạnh, ổn định là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho một quốc gia độc lập duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ phải được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, có hiệu quả và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) giữ vai trò nòng cốt, chuyên trách. Các đơn vị BĐBP đã trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương về củng cố hệ thống tổ chức chính trị ở cơ sở và trực tiếp tham gia cấp ủy, chính quyền các xã biên giới.
Ông Hoàng Đình Thu, Vụ trưởng Vụ xây dựng hệ thống chính trị Ban chỉ đạo Tây Bắc tìm hiểu tình hình di cư tự do tại điểm dân cư Si Ma 2, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh Chu Quốc Hùng - TTXVN |
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Biên phòng, triển khai Chỉ thị số 15/1998/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay toàn lực lượng có 308 cán bộ BĐBP tăng cường các xã biên giới, trong đó có 15 đồng chí giữ chức Bí thư, 218 đồng chí giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã. Cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương, các đơn vị BĐBP và cán bộ biên phòng tăng cường xã đã rà soát, xây dựng kế hoạch xóa "thôn, bản trắng tổ chức Đảng và đảng viên".
Trong những năm qua, trên địa bàn khu vực biên giới cả nước đã xóa được 572 thôn, bản trắng đảng viên, phát triển được 17.228 đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng tổ chức đảng ở địa phương vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo. Tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã biên giới xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng. Nhiều địa bàn biên giới "trắng tổ chức" quần chúng, nhưng đến nay đã thành lập, xây dựng đủ các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể quần chúng.