Ngày 21/5/2018, sạt lở nghiêm trọng đã nhấn chìm 5 căn nhà và đe dọa hàng chục ngôi nhà khác của người dân trên tuyến sông Ô Môn thuộc khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN |
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 11 trận giông lốc, làm sập 15 căn nhà, tốc mái 57 căn, thiệt hại trên 1 tỷ đồng.
Đặc biệt là tình hình sạt lở bờ sông, đã xảy ra 15 vụ ở 15 điểm với tổng chiều dài là 576 mét, làm trôi 10 căn nhà hoàn toàn xuống sông, 43 căn nhà khác bị ảnh hưởng phải di dời khẩn cấp, thiệt hại trên 34 tỷ đồng, trong đó tập trung nhiều nhất trên tuyến sông Ô Môn.
Theo thống kê, Cần Thơ còn có 106 điểm có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài hơn 52.000 mét, tập trung ở nhiều địa phương như: Ô Môn, Thốt Nốt, Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điển... Điều đáng quan tâm là càng vào mùa mưa, mức độ thiệt hại càng nặng thêm, mức độ ảnh hưởng ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn hơn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, để phòng chống sạt lở có hiệu quả, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần thường xuyên kiểm tra thực địa để cảnh báo nhân dân có ý thức phòng tránh. Mặt khác, các địa phương cần bố trí, triển khai nhanh các cụm tuyến dân cư để từng bước di dời các hộ dân sống dọc trên kênh rạch, nhất là những hộ đang sinh sống ở các vùng có nguy cơ sạt lở cao.
Sở Giao thông vận tải thành phố khẩn trương khảo sát ở các tuyến sông lớn, gắn những biển báo giảm tốc các phương tiện thủy bởi các phương tiện thường xuyên vận chuyển với vận tốc cao, tạo ra sóng lớn cũng là một trong các nguyên nhân gây sạt lở bờ sông.
Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân có ý thức cảnh giác, tự phòng chống bằng các biện pháp truyền thống và không được chủ quan đối với tình hình sạt lở.
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết, tình hình thiên tai từ đầu năm đến nay xảy ra nghiêm trọng hơn các năm trước. Các điểm sạt lở nhiều hơn, ảnh hưởng rất lớn đến tài sản và cuộc sống lâu dài của người dân. Điều đáng nói là tình hình sạt lở trên địa bàn vẫn chưa dừng lại và tiếp tục diễn biến phức tạp.
Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, đề phòng sạt lở, thời gian tới thành phố sẽ triển khai từng bước và tiến tới giải quyết dứt điểm không để tình trạng nhà sàn ven sông. Nhiệm vụ này được UBND thành phố Cần Thơ giao cho UBND các quận, huyện với yêu cầu có kế hoạch cụ thể cho từng năm và đến năm 2030 phải giải quyết đứt điểm vấn đề này; cùng với đó là chấm dứt việc cấp phép xây dựng nhà trên sông từ thời điểm này và giao cho UBND các phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm chính, nếu để xảy ra Chủ tịch UBND cấp đó phải chịu trách nhiệm và giao cho UBND quận, huyện quản lý hiệu quả vấn đề này.