Trên các rẫy lúa khô của người dân tộc Jrai tại vùng biên giới Gia Lai, từng tốp người đang lúi cúi gặt lúa. Tiếng nói, tiếng cười rộn rã làm dịu bớt cái nắng cháy da của miền biên giới Tây Nguyên. Màu vàng của lúa, màu xanh của áo lính biên phòng kết hợp cùng nhiều màu sắc của trang phục dân tộc tạo nên một bức tranh rất đẹp.
Vì không có nước tưới, địa hình lại đồi dốc nên mỗi năm, người dân Jrai tại biên giới tỉnh Gia Lai chỉ trồng được một vụ lúa rẫy. Lúa được chọc, tỉa xuống hạt vào đầu mùa mưa để hưởng nước trời. Đến vụ thu hoạch vào cuối năm, mỗi nhà đều hoán đổi công cho nhau và được sự giúp sức của bộ đội biên phòng nên lúa thu hoạch đúng thời vụ.
Chị Rơ Lan Psa, làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai, cho hay "Người dân trong làng rất an tâm vì năm nào đến thời điểm thu hoạch cũng có bộ đội đến gặt, đập, cõng lúa giúp. Nhiều gia đình không đổi công cho bà con trong làng được cũng không lo vì có bộ đội giúp rồi. Bà con dân làng rất yêu mến bộ đội biên phòng vì không chỉ giúp gặt lúa, hái cà phê, mà còn giúp dân kiến thức phát triển kinh tế, hiểu được luật pháp để không vượt biên và giúp bà con biết cách phòng, chống dịch COVID-19".
Các đồn biên phòng của tuyến biên giới tỉnh Gia Lai đã chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững bằng các mô hình, chương trình cụ thể, thiết thực, hiệu quả.
Chúng tôi đến với Đồn biên phòng Ia O (xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai) vào một ngày nắng gắt khi Ban chỉ huy đồn đã huy động cán bộ, chiến sĩ lên rẫy gặt lúa cho bà con.
Theo Trung tá Lê Viết Phấn, Chính trị viên đồn biên phòng IaO, bên cạnh việc giúp thu hoạch vụ mùa, cán bộ, chiến sĩ của đồn kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để hạn chế việc xuất, nhập cảnh trái phép; tăng cường ý thức người dân trong phòng, chống dịch trên biên giới và xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cùng với địa phương nơi đơn vị đứng chân.
Trong năm 2021, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã trao hơn 300 triệu đồng cho 52 học sinh theo Chương trình "Nâng bước em đến trường" (trong đó có 4 em là người Campuchia). Những "người bố biên phòng" tỉnh Gia Lai đã thực hiện rất tốt mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” với sự ổn định về nơi ăn, ở cho 12 em nhỏ; vận động 54 học sinh bỏ học tiếp tục quay lại trường; duy trì mô hình Bếp ăn tình thương cho 14 học sinh nghèo với số tiền gần 100 triệu đồng.
Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ các đồn đã góp gần 1.000 ngày công, ủng hộ mua đồ dùng sinh hoạt gia đình và cây giống trị giá gần 7 triệu đồng. Đồn Biên phòng Ia Mơ, huyện Chư Prông nhân rộng mô hình “Trình diễn lúa nước” để người dân biết dẫn nước về trồng lúa hai vụ. Đến nay, đã có 400 hộ gia đình trên địa bàn xã biên giới Ia Mơ triển khai mô hình trên diện tích hơn 5.000 m2.
Đại tá Nguyễn Văn Nghị, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết, trong năm 2021, công tác vận động quần chúng tại các đồn biên phòng đã được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, có chiều sâu và chất lượng. Đều là tuyến biên giới nên các đồn biên phòng luôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành, thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, ý thức trong phòng, chống dịch COVID-19 và xuất, nhập cảnh trái phép.
Thực tế, sau khi tham gia củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, đảm bảo quốc phòng-an ninh gắn với đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại các xã biên giới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Chiều biên giới, trên những rẫy lúa vừa gặt còn thơm rơm, từng bao lúa nặng oằn vai ướt đẫm mồ hôi, nhưng tiếng nói cười vẫn rộn rã của quân-dân như minh chứng cho tình đoàn kết, thương yêu nơi vùng biên giới. Ở đó, phên dậu Tổ quốc có thế trận lòng dân bền vững, sắt son.