Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên: Thiếu công trình thủy lợi phục vụ thâm canh cà phê Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên thiếu nghiêm trọng các công trình thủy lợi thâm canh cây cà phê nên hàng năm đến mùa khô, diện tích cà phê bị khô hạn ngày càng tăng gây thiệt hại lớn cho các nông hộ.
Tận dụng nguồn nước, nông dân tại thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) tưới nước, chăm sóc cho vườn cà phê. Anh Dũng – TTXVN |
Các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 573.400 ha cà phê; trong đó có 532.499 ha cà phê kinh doanh cho thu hoạch. Tuy nhiên, phần lớn diện tích cà phê này đều thiếu công trình thủy lợi để phục vụ thâm canh. Ngay tại Đắk Lắk địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất nước với trên 204.500 ha; trong đó có 195.000 ha cà phê kinh doanh cho thu hoạch nhưng diện tích được tưới từ các công trình thủy lợi chỉ có 46.163 ha. Diện tích cà phê còn lại tưới bằng nguồn nước suối và 2.800 giếng đào, giếng khoan.
Kế đến là tỉnh Lâm Đồng có diện tích cà phê đứng thứ hai sau Đắk Lắk, với trên 140.000 ha nhưng chỉ có 50.335 ha được tưới từ các công trình thủy lợi. Trong khi đó, phần lớn các công trình thủy lợi phục vụ thâm canh cây cà phê ở Tây Nguyên thường ở trong tình trạng kiệt nước vào mùa khô, nên có công trình chỉ có đủ nguồn nước tưới từ 3 đến 4 đợt cho cà phê là khô kiệt. Còn nguồn nước ngầm do khai thác quá bừa bãi nên suy giảm nghiêm trọng. Ngay tại Đắk Lắk, qua khảo sát, hầu hết mực nước ngầm giảm thấp nhiều so với trung bình nhiều năm, thậm chí, có những điểm khảo sát mực nước ngầm giảm đến 28 mét so với vài năm trước đây.
Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó Chủ tịch xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông): Các hồ thủy lợi đang rơi vào mực nước chếtHiện nay, nguồn nước ngầm và mực nước trên các ao hồ, sông suối đã bắt đầu khô cạn khiến cây trồng khô héo, rụng lá. Xã Tâm Thắng, nằm ngay cạnh dòng sông Sêrêpốk nhưng hàng trăm héc-ta cây trồng đang đứng trước nguy cơ mất trắng. Hồ Buôn Buôr, phục vụ nước tưới cho diện tích gần 240 ha tiêu, cà phê đã phơi đáy cả tháng nay. Để cứu cây trồng, nhiều hộ đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để khoan giếng tìm nước nhưng vô vọng bởi khoan sâu cả hơn trăm mét mà không có nước.
Nếu tỉnh không sớm bố trí nguồn vốn xây dựng trạm bơm để bơm nước từ sông Sêrêpôk vào hồ Buôn Buôr thì diện tích cây trồng của hơn 430 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ sẽ giảm năng suất hoặc mất trắng. Nguy cơ thiếu đói và tái nghèo đang hiện hữu, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị của địa phương. Được biết, toàn huyện có 9 hồ thủy lợi thì đã có 2 hồ cạn phơi đáy từ lâu, 2 hồ còn lại đang nằm dưới mực nước chết.
Ông Trần Đoàn, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil (Đắk Nông): Có máy bơm, có điện nhưng không có nướcĐắk Mil, vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Đắk Nông với trên 21.000 ha, tình trạng khô hạn đang diễn ra gay gắt. Sau những ngày ăn Tết, người nông dân ở xã Đắk Lao đã phải ra sức chống hạn. Nhà tôi có 4 ha cà phê nhưng mới chỉ một nửa diện tích được tưới đợt 1. Theo dự định sau khi ăn Tết Nguyên đán, gia đình sẽ tưới đợt 1 cho diện tích cà phê còn lại để cà phê kịp bung hoa, nhưng chưa kịp tưới thì hồ Đắk Ken hết nước. Thiếu nước tưới nên gần 2 ha cà phê của gia đình tôi héo quắt, lá vàng úa. Máy bơm, nguồn điện, ống tưới..., gia đình tôi đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng không có nước thì cũng bó tay.
Ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông: Cần hỗ trợ kinh phí chống hạnTrước tình hình hạn hán đang diễn ra gay gắt, tỉnh Đắk Nông đang triển khai đồng bộ các giải pháp để cứu cây trồng, vật nuôi. Ngay từ đầu vụ, tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các địa phương, Công ty TNHH Một thành viên khai thác Công trình Thủy lợi Đắk Nông tập trung nâng cấp, gia cố hồ đập, khơi thông dòng chảy, nạo vét ao hồ để tích nước. Đồng thời khuyến cáo nhân dân không sản xuất ở khu vực thường xuyên thiếu nước, tưới nước tiết kiệm, trồng cây che bóng, điều tiết nước hợp lý…
Hiện nay, về cơ bản cây lúa nước, cây hoa màu ngắn ngày chưa bị ảnh hưởng của khô hạn; còn đối với cây công nghiệp ngắn ngày, cây cà phê thì nhiều diện tích đã rơi vào tình trạng khô hạn nặng. Chúng tôi đã chỉ đạo các huyện tập trung chống hạn, bơm nước kịp thời để bảo đảm sản xuất; hỗ trợ kinh phí chống hạn. Nếu khi nguồn nước cạn kiệt phải ưu tiên nước tưới cho diện tích cà phê nằm trong vùng quy hoạch, khi không còn nước thì phải chấp nhận mất trắng nếu trời không mưa.
Ông Rơ Lan Chiêm, Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, huyện Chưprông (Gia Lai): Hy vọng đổi đời nhờ công trình thủy lợiXã Ia Mơr có quỹ đất canh tác khá lớn, song do chưa có nguồn nước tưới và hơn nữa trình độ thâm canh của bà con người dân tộc trong xã còn thấp nên chưa phát huy được thế mạnh tại chỗ. Trong vài năm tới, khi công trình thủy lợi Ia Mơ hoàn thành và đưa vào sử dụng chắc chắn đời sống của bà con trong vùng sẽ được ổn định và nâng cao, trên cơ sở phát triển cây lúa nước 2 vụ với năng suất và sản lượng cao.
Công trình thủy lợi Ia Mơr là một trong những công trình thủy lợi lớn ở Tây Nguyên có năng lực tưới 12.500 ha lúa, hoa màu và cây công nghiệp. Ngoài việc tưới tiêu có quy mô lớn, công trình còn cung cấp nước sinh hoạt phục vụ cho khoảng 50.000 dân ở vùng hạ lưu kết hợp với phát triển giao thông nông thôn, nuôi trồng thủy sản, du lịch và phát điện.