Công tác tuần tra, bảo vệ rừng được các lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum triển khai mạnh mẽ. Ảnh: Quang Thái/TTXVN |
Trong đó, có 1.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng, 6.890 ha rừng sản xuất và trồng rừng thay thế 4.669 ha. Đắk Lắk là địa phương có diện tích rừng trồng tập trung trong mùa mưa này nhiều nhất với trên 4.884 ha.
Theo đó, các tỉnh Tây Nguyên đã tiến hành kiểm tra, rà soát lại diện tích đất trống, đồi núi trọc chưa có rừng, nhất là diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép làm nương rẫy có kế hoạch thu hồi trồng lại rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất.
Cùng với đó là tiến hành rà soát, đánh giá, thu hồi toàn bộ, hoặc một phần dự án đối với các dự án chuyển đổi đất lâm nghiệp, rừng sang mục đích khác chậm tiến độ; không thực hiện dự án để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép thu hồi giao lại cho địa phương có kế hoạch trồng lại rừng.
Các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng từng bước ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong thâm canh rừng trồng để tăng năng suất, chất lượng rừng, kết hợp sản xuất lâm, nông và du lịch sinh thái nhằm góp phần nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp.
Tỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế khi tham gia trồng rừng phòng hộ, ngoài cây gỗ lớn còn có thể trồng xen các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả lâu năm có tán che phủ như cây rừng.
Còn đối với rừng đặc dụng, tỉnh Đắk Lắk chọn các loại cây phù hợp với mục tiêu phục hồi hệ sinh thái nguyên sinh, chủ yếu là loài cây bản địa như sao, dầu, muồng đen, bằng lăng.
Riêng đối với trồng rừng sản xuất, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng quy mô, xây dựng rừng nguyên liệu tập trung, có năng suất, chất lượng cao, ổn định, với các loại cây có chu kỳ khai thác ngắn nằm ở các địa bàn có điều kiện về giao thông thuận lợi như M’Đắk, Ea Kar, Ea Súp, Krông Bông…để không những góp phần nâng cao tỷ trọng GDP lâm nghiệp trong tổng GDP của tỉnh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc tham gia trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái…
Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay là mùa mưa, mùa của trồng rừng ở Tây Nguyên nhưng do các bộ, ngành chưa bố trí vốn nên các tỉnh Tây Nguyên khó khăn trong việc tự cân đối vốn để thực hiện nhiệm vụ trồng rừng phòng hộ, đặc dụng…
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích rừng là trên 2,513 triệu ha, trong đó, rừng tự nhiên có trên 2,234 triệu ha, diện tích còn lại là rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng chỉ còn 46,01% (tính cả cây cao su và cây đặc sản, còn không tính cây đặc sản, cây cao su thì chỉ còn 43,5%); đồng thời, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, chăm sóc rừng để góp phần phấn đấu đến năm 2020 nâng tỷ lệ che phủ rừng tăng lên 49,8%.