Sau thời gian thực hiện Nghị quyết 10 và Kết luận số 12, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp, ngành ở Trung ương và sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương trong vùng, vùng Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, qua đánh giá sơ bộ đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cơ bản được hoàn thành và khẳng định Nghị quyết 10, Kết luận số 12 của Bộ Chính trị thực sự đi vào cuộc sống. Đời sống văn hóa của người dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được phát huy. Công tác giảm nghèo từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá.
Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học được quan tâm. Công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước được chú trọng và xác định là vấn đề quan trọng, cấp thiết đối với sinh kế của người dân trong vùng.
Bên cạnh đó, việc giao đất, cho thuê đất, định canh, định cư đã từng bước khắc phục được tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở. Đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực, chuyển dần từ thái độ thụ động, ỷ lại sang chủ động, phấn đấu vươn lên thoát nghèo...
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, vùng Tây Nguyên còn tồn tại những khó khăn, hạn chế như: Phát triển kinh tế của vùng chưa bền vững; chất lượng tăng trưởng thấp; một số chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Phát triển văn hóa - xã hội còn nhiều bất cập, nhiều di sản văn hóa dân tộc vùng Tây Nguyên đang đứng trước nhiều thách thức, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư có xu hướng ngày càng gia tăng.
Liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức; liên kết nội vùng và liên vùng chưa có tính chiến lược, lâu dài theo hướng bổ trợ lẫn nhau. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu tạo đột phá cho phát triển nhanh các ngành có lợi thế.
Bên cạnh đó, việc quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Rừng tự nhiên suy giảm cả về diện tích và chất lượng; hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước còn chưa hợp lý...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bên cạnh các nguyên nhân khách quan thì những tồn tại, hạn chế trong phát triển của vùng thời gian qua còn do nguyên nhân chủ quan như: nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng chưa cao; việc chỉ đạo, điều hành giữa các cấp, ngành chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ; cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng cũng chưa theo kịp đòi hỏi thực tế, chủ yếu mang tính hỗ trợ, chưa chú trọng kích thích phát triển.
Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển vùng, các địa phương trong vùng chưa đồng bộ; việc cụ thể hóa, ưu tiên bố trí không gian phát triển cho các công trình hạ tầng cấp vùng, liên tỉnh chưa được quan tâm đúng mức. Hỗ trợ nguồn lực cho đầu tư trong vùng chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, việc thu hút, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế; thiếu thể chế điều phối và kết nối phát triển toàn vùng.
Với vị trí là địa bàn chiến lược đặc biệt trọng yếu về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái của đất nước, sự ổn định và phát triển bền vững của Tây Nguyên đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước.
“Tổ Biên tập Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12 sẽ có những đánh giá toàn diện hơn nhằm tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị mục tiêu, quan điểm và phương hướng phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.