Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, đã có 7/9 công ty chuyển thành Công ty cổ phần, Công ty TNHH hai thành viên trở lên đang phối hợp với các đối tác xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Lắk (Đắk Lắk) chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp công lập có thu và 6 công ty lâm nghiệp khác phải giải thể.
Đắk Lắk là địa phương có nhiều đơn vị lâm nghiệp thực hiện chuyển đổi nhất so với các tỉnh Tây Nguyên. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển hình thức Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và một số hoạt động kinh doanh khác đối với 6 Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Kroong Bông, Ma Đ’rắk, Ea Kar, Buôn Wing, Chư Phả, Ea Wy.
Tỉnh Đắk Lắk cũng có kế hoạch thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên đối với 8 Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Chư Ma Lanh, Rừng Xanh, Ya Lốp, Ea H’Mơ, Thuần Mẫn, Ea H’leo, Phước An, Buôn Ja Wầm nhằm gắn kết phát triển vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thị trường đem lại sản phẩm có giá trị cao.
Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên vẫn còn chậm. Các công ty được phê duyệt hình thức Công ty TNHH Một thành viên Nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích chưa nâng cao được hiệu quả sản xuất, một số đơn vị vẫn làm ăn thua lỗ. Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp của các công ty này chủ yếu mới thực hiện được việc rà soát, đo đạc và chuẩn bị cắm mốc đất đai. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất đai, khai thác gỗ trái pháp luật ở một số doanh nghiệp vẫn diễn ra phức tạp, việc liên doanh liên kết nhiều nơi vẫn kém hiệu quả…
Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các công ty lâm nghiệp Tây Nguyên chủ yếu quản lý rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng phòng hộ, sau khi sắp xếp vẫn còn 651.5 ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng phòng hộ (chiếm trên 80% đất được giao), diện tích rừng trồng là rừng sản xuất có ít 31.783 ha, phân tán nhỏ, lẻ (bình quân 578 ha/công ty). Diện tích rừng đã giao khoán là 187.424 ha.