Đồng thời, quan tâm phát triển kinh tế hợp tác, gắn kết doanh nghiệp liên kết theo mô hình chuỗi giá trị giải quyết đầu ra cho hạt lúa. Từ đó, tiến tới định hình nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao mà lúa là cây trồng chủ lực.
Trong năm 2024, địa phương đã thành lập thêm được 5 hợp tác xã nông nghiệp mới, nâng toàn tỉnh có 197 hợp tác xã nông nghiệp. Mạng lưới các hợp tác xã nông nghiệp tại Tiền Giang phát triển mạnh, góp phần thu hút nông dân vào con đường làm ăn tập thể kiểu mới, tạo việc làm cho lao động nông nhàn, tăng cường liên kết các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên.
Các hợp tác xã nông nghiệp chủ động đổi mới hoạt động, tích cực phối hợp cùng các cấp, các ngành đẩy mạnh khuyến nông, hỗ trợ xã viên ứng dụng khoa học nông nghiệp vào sản xuất, thực hiện quy trình canh tác theo VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hướng hữu cơ; liên kết doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào và đầu ra sản phẩm chủ lực…
Trong ba vụ sản xuất liên tiếp năm 2024 vừa qua, các hợp tác xã chủ động liên kết với các doanh nghiệp xây dựng các cánh đồng lớn với tổng diện tích gần 5.300 ha. Có ba hình thức liên kết chủ yếu: Doanh nghiệp đầu tư ứng trước một phần vật tư đầu vào và thu mua sản phẩm; doanh nghiệp đầu tư vật tư và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; doanh nghiệp không đầu tư vật tư đầu vào nhưng bao tiêu đầu ra.
Đi đầu trong liên kết với doanh nghiệp có Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh (Cái Bè), Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam (Cai Lậy), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới (Cái Bè), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Bắc (Cai Lậy), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa (Gò Công Đông), Hợp tác xã dịch vụ nông thôn Bình Nhì (Gò Công Tây),…
Nông dân tham gia mô hình liên kết sản xuất có năng suất lúa bình quân đạt từ 70 - 72 tạ/ha, giá bán được các doanh nghiệp bao tiêu cao hơn thị trường từ 500 - 900 đồng/kg tùy vụ, bà con lãi từ 35 - 40 triệu đồng/ha sau vụ sản xuất, cao hơn từ 5 - 7 triệu đồng/vụ so với bên ngoài.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy) Lê Văn Hưng cho hay, trong năm 2024, hợp tác xã tiếp tục liên kết với Công ty ADC (thành phố Cần Thơ) trồng 100 ha lúa chất lượng cao theo tiêu chí GlobalGAP. Công ty ADC cung ứng vật tư nông nghiệp, giống, kỹ thuật canh tác đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao hơn thị trường bình quân 500 đồng/kg.
Theo ông Lê Văn Hưng, bà con canh tác trong mô hình liên kết đạt năng suất bình quân từ 70 - 75 tạ/ha, doanh nghiệp bao tiêu giá 8.300 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi trên 40 triệu đồng/ha.
Đáng chú ý, nhờ cơ giới hóa toàn bộ các khâu sản xuất, chủ động được quá trình canh tác nên mặc dù thu hoạch vụ Hè Thu 2024 vừa qua trùng thời điểm mưa bão liên tục nhưng bà con trong hợp tác xã giảm được thiệt hại, trúng mùa, bội thu. Nông dân rất phấn khởi, an tâm tổ chức thâm canh để đạt năng suất, sản lượng cao và chất lượng nông sản hàng hóa theo yêu cầu thị trường.
Hàng năm, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới (Cái Bè) hợp đồng liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp như: Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phước Lộc Thiên Hộ… trên tổng diện tích hàng nghìn ha. Giá hợp đồng bao tiêu luôn cao hơn thị trường từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg tùy thời điểm.
Theo lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang, nhằm giúp các hợp tác xã nông nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò hợp tác xã kiểu mới trong các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân.
Tỉnh triển khai đồng bộ Chương trình hỗ trợ hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025, có các chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giúp nâng cao năng lực chế biến, bảo quản sản phẩm, đảm bảo hạ tầng logistic đồng bộ trong vùng sản xuất của các hợp tác xã cũng như xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường.
Đổng thời, tích cực hỗ trợ hợp tác xã đào tạo nghề nông nghiệp - nông thôn, sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, áp dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…cũng như nhân rộng những mô hình hợp tác xã liên kết chuỗi giá trị hiệu quả, giải quyết đầu vào và đầu ra cho hạt lúa, ổn định và nâng cao mức sống các hộ thành viên.
Mặt khác, Tiền Giang khuyến khích bà con chú trọng chuyển đổi về giống, sử dụng phổ biến các giống lúa chất lượng cao, được ưa chuộng trên thị trường như VD20, Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9, ST 24, ST 25…
Trước mắt, đã hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao trên qui mô toàn vùng tùy theo địa bàn sinh thái, trọng điểm là các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thành phố Gò Công phía Đông tỉnh, cùng các huyện vùng kiểm soát lũ phía Tây như: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành..., với tổng diện tích khoảng 21.000 ha, chiếm gần 40% tổng diện tích đất trồng lúa toàn tỉnh.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, qua ba vụ sản xuất trong năm 2024: Đông Xuân, Xuân Hè và Hè Thu, nông dân trong tỉnh đã gieo sạ được gần 113.000 ha, vượt 1,2% so chỉ tiêu cả năm. Đến giữa tháng 10/2024, nông dân địa phương đã thu hoạch trên 80.000 ha, năng suất bình quân 65,5 tạ/ha và sản lượng trên 525.000 tấn lúa.
Lúa vụ Hè Thu đang có giá. Giá lúa thương lái thu mua bình quân từ 9.800 đồng/kg đến 11.000 đồng/kg, tùy loại. Nông dân sau khi trừ chi phí còn lãi ròng khoảng 34 triệu đồng/ha, cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 590.000 đồng/kg.