Thúc đẩy sản xuất, kiểm soát chất lượng giống cá tra

Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Đồng Tháp sản xuất được gần 5 tỷ cá tra bột, hơn 500 triệu con cá tra giống. Giá thành sản xuất giống cá tra 28.442 đồng/kg, giá bán bình quân 39.280 đồng/kg, lợi nhuận 10.8 đồng/kg.

Chú thích ảnh
Huyện Hồng Ngự là một trong những địa phương sản xuất nhiều cá tra bột và cá tra giống ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: TTXVN phát

Vùng sản xuất giống cá tra chủ yếu tập trung ở các huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự, huyện Châu Thành và huyện Cao Lãnh. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 1.270 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống cá tra. Hàng năm, Đồng Tháp sản xuất 25 tỷ con cá tra bột và 1,8 tỷ con cá tra giống.

Để đạt mục tiêu diện tích nuôi cá tra, tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ chọn tạo giống cá tra chất lượng cao, khắc phục tình trạng giống cá tra kém chất lượng; tăng cường quản lý giám sát quy trình kỹ thuật sản xuất giống, hỗ trợ cho các trại sản xuất giống cá tra bố mẹ đã qua chọn lọc về di truyền tăng tưởng nhanh, thích ứng tốt với dịch bệnh và môi trường. Tỉnh phấn đấu trên 75% con giống phục vụ nuôi thương phẩm là con giống chất lượng cao; đảm bảo 60% các cơ sở sinh sản cá tra bột được cải thiện di truyền.

Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh có khoảng 76 cơ sở sinh sản sản xuất và trên 1.104 cơ sở ương dưỡng cá tra giống với diện tích khoảng 800 ha.

Để có giải pháp tăng cường chất lượng cá tra giống, tỉnh Đồng Tháp thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và điều hành ngành hàng cá tra về công tác quản lý quy hoạch, cấp mã nhận diện, thông tin sản xuất, thị trường và môi trường nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng “hợp tác - liên kết - thị trường” để giảm rủi ro.

Tỉnh cũng khuyến khích các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi thương phẩm nhỏ lẻ liên kết lại với nhau hình thành các hội quán, tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tạo ra sản phẩm số lượng lớn, đồng nhất về chất lượng; tăng cường chuỗi liên kết, sản xuất tiêu thụ sản phẩm giữa các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi thương phẩm với các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp sản xuất thức ăn. Cùng đó, từng bước thay thế đàn cá bố mẹ địa phương bằng đàn cá tra chọn giống ngoài ưu thế tăng trưởng nhanh; phổ biến quy trình sản xuất giống có chất lượng cao, đảm bảo an toàn sinh học và không gây ô nhiễm môi trường đến các cơ sở ương dưỡng, cơ sở sản xuất bột.

Để có giải pháp thúc đẩy sản xuất và tăng cường kiểm soát chất lượng giống cá tra, ông Trần Hữu Phúc, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II có một số giải pháp thay thế HCG (kích dục tố màng đệm) trong sinh sản nhân tạo cá tra.

Theo đó, 100% các trại sản xuất giống cá tra đều sử dụng kích dục tố HCG trong kích thích cá sinh sản. Kích dục tố HCG được lựa chọn sử dụng nhiều nhất vì kết quả sinh sản ổn định, tỷ lệ rụng trứng từ 88%, hiện tại thì tỷ lệ rụng trứng của cá cái khi sử dụng HCG cho sinh sản nhân tạo cho cá tra là đạt 100% và quan trọng hơn là giá thành rẻ hơn so với các loại chất kích thích sinh sản khác.

Để đảm bảo nguồn con giống có chất lượng tốt và từng bước thay thế dần đàn cá tra bố mẹ địa phương đang có dấu hiệu bị thoái hóa. Trong giai đoạn 2022 - 2025, ngành chuyên môn đề xuất Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II tiếp tục chuyển giao cho tỉnh 90.000 con cá tra hậu bị chọn giống mang tính trạng tăng trưởng nhanh, tỷ lệ philê cao và kháng bệnh để chuyển giao các cơ sở sản xuất giống đủ điều kiện sản xuất theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, phát triển đối tượng thuỷ sản chủ lực (cá tra) được voi thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh, phát triển đa dạng sản phẩm có thế mạnh gắn phát triển sản phẩm OCOP phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, nghiên cứu chuyển giao quy trình sản xuất đối tượng tiềm năng cho giá trị kinh tế cao góp phần tạo ra giá trị mới và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo đó, thời gian tới tỉnh Đồng Tháp chú trọng thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các vùng quy hoạch nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế và tiềm năng phát triển của địa phương; thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình sản xuất. Đồng thời, củng cố, duy trì các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ nuôi với doanh nghiệp, đồng thời phát triển chuỗi liên kết giữa các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống với các cơ sở nuôi thương phẩm.

Ngoài ra, phối hợp với Tổng cục Thủy sản hỗ trợ địa phương đàn cá tra hậu bị chọn giống theo hướng tăng trưởng nhanh và kháng bệnh để phát tán cho các cơ sở  sản xuất giống trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng con giống phục vụ cho nuôi thương phẩm đạt hiệu quả cao.

Nguyễn Văn Trí (TTXVN)
Chất lượng cá tra giống ở Cần Thơ chưa được kiểm soát tốt
Chất lượng cá tra giống ở Cần Thơ chưa được kiểm soát tốt

Thông tin về tình hình nuôi trồng, điều kiện sản xuất, kiểm dịch tại các cơ sở nuôi cá tra trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ - Phạm Trường Yên cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 40 cơ sở sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh con giống thủy sản được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện và đang hoạt động; trong đó, sản lượng cá tra giống cung ứng cho thị trường khoảng 6 triệu con/năm. Tuy nhiên, so với điều kiện sản xuất thực tế, chất lượng con giống cá tra chưa được kiểm soát tốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN