Theo Quyết định, Ban Chỉ đạo 1287 có 21 thành viên do Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Êban Y Phu làm Trưởng ban; ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Phó Trưởng ban; ông Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Phó Trưởng ban Thường trực.
Ban Chỉ đạo 1287 có nhiệm vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và đôn đốc thanh tra, kiểm tra, điều tra, giải quyết các vụ việc, vụ án phức tạp liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường các mặt công tác quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh kiểm tra, điều tra, giải quyết các vụ việc, vụ án phức tạp liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ, giao đất, giao rừng; đồng thời xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Êban Y Phu cho biết, trước mắt Ban Chỉ đạo 1287 sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra, thanh tra, rà soát, liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ea Súp; khảo sát nắm tình hình, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, cơ cấu dân số, thực trạng sử dụng đất, thực trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng của người dân buôn Đrăng Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn và các hộ đồng bào H’Mông di cư tự phát đến xã vụ Bổn, huyện Krông Pắk; người dân xâm lấn đất rừng tại buôn Lách Ló, xã Nam Kar, huyện Lắk. Thời gian thanh, kiểm tra, rà soát được thực hiện từ tháng 5 – 7/2019.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng thống nhất đưa các vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng nghiêm trọng như: Hai vụ phá rừng Pơ mu tại Công ty Lâm nghiệp Krông Bông, huyện Krông Bông; các vụ lấn chiếm, xâm canh đất rừng trái phép tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Rừng xanh (huyện Ea Súp), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Cư M’lanh (huyện Ea Súp); việc thu hồi, giải phóng mặt bằng đất rừng tại Ea H’Leo, Ea Súp để điều tra, thanh tra theo quy định.
Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Êban Y Phu cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn thành lập Ban Chỉ đạo, đoàn thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại địa phương.
Tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thời gian gần đây đã giảm, tuy nhiên tính chất, mức độ các vụ việc vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2018 và quý I/2019, các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 1.359 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; trong đó xử lý hành chính 1.197 vụ, xử lý hình sự 23 vụ, tịch thu 1.947m3 gỗ các loại.