Chỉ riêng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2017 sắp tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) các nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ đầu tư các dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 108.157 tỷ đồng.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Gia Lai được đầu tư nâng cấp mở rộng. Ảnh: TTXVN |
Nguồn vốn trên đầu tư vào Tây Nguyên chủ yếu để chuyển đổi toàn diện cơ cấu nông nghiệp nhằm phấn đấu đến năm 2020 Tây Nguyên cơ bản có nền nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, tập trung, có sức cạnh tranh cao, hiệu quả, bền vững gắn với công nghiệp chế biến. Đồng thời, khoa học, công nghệ, công nghệ sinh học được ứng dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu một số sản phẩm chủ lực có lợi thế so sánh của vùng như cà phê, cao su, ca cao, tiêu…
Cùng với đó, các tỉnh ổn định diện tích cây cà phê , tiếp tục nghiên cứu phát triển một số cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, các loại rau, hoa, cây ăn quả có thế mạnh về điều kiện tự nhiên. Vấn đề phát triển chăn nuôi được chú trọng; trong đó tập trung chăn nuôi đại gia súc, tăng cường bảo vệ các vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn.
Các tỉnh Tây Nguyên tăng nguồn lực đầu tư phát triển mạnh công nghiệp; ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, hướng vào chế biến các sản phẩm có lợi thế về nguyên liệu. Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản được phát triển, trong đó tập trung vào khai thác bô-xít và chế biến alumin xác định thành một trong những ngành công nghiệp quan trọng của quốc gia.
Các tỉnh Tây nguyên đầu tư phát triển ngành dịch vụ, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời, tập trung phát triển du lịch sinh thái rừng núi, hồ, thác, chú trọng hình thành và phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ở Đà Lạt (Lâm Đồng), Măng Đen (Kon Tum)…
Việc tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được các tỉnh Tây Nguyên chú trọng, nhất là mạng lưới giao thông, thuỷ lợi, cấp điện, hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp…
Các tỉnh Tây Nguyên xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội cấp vùng, trên cơ sở đó lựa chọn một số lĩnh vực, dự án cụ thể với thông tin minh bạch, công khai, có tính khả thi cao, phù hợp với nhu cầu thị trường để thu hút FDI.
Trước mắt, các tỉnh tập trung vào các quy hoạch trọng điểm như phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ năng lượng… Hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ được nâng cao hiệu quả, triển khai các giải pháp về quản lý nhà nước, cải tiến thủ tục hành chính để ngày càng thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài nước đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên…
Các tỉnh Tây Nguyên đề nghị Chính phủ tạo điều kiện hỗ trợ các xây dựng cơ chế thu hút đầu tư đặc thù. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội cho các tỉnh Tây Nguyên…
Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, giai đoạn 2011 - 2015, tổng nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên là 265.700 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên chuyển dịch đúng hướng. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn không ngừng được nâng cao. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 39,56 triệu đồng…