Với những giá trị kinh tế được khẳng định khi đã canh tác tại một số tỉnh Tây Bắc, đề án trồng mắc ca sẽ nâng cao hệ số sử dụng đất, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu cho người dân.
Để thực hiện đề án, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái tổ chức 5 buổi tập huấn đầu vườn cho trên 400 hộ nông dân và cán bộ địa phương có những hiểu biết về cây mắc ca, lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường mang lại khi trồng cây mắc ca cũng như những hạn chế, khó khăn khi trồng cây mắc ca.
Bên cạnh việc theo dõi, đánh giá hiệu quả kinh tế của trồng cây mắc ca, tỉnh Yên Bái cũng đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện rà soát, xác định được sơ bộ khoảng gần 1.600 ha diện tích đất có khả năng trồng mắc ca giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh; trong đó, có 500 ha trồng xen canh chè tại huyện Văn Chấn, gần 1.100 ha trồng thuần tại các địa phương.
Dự kiến, các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đầu tư, xây dựng 1 nhà máy sơ chế mắc ca tách hạt với công suất 500 tấn/năm. Theo kế hoạch, các cơ sở sơ chế mắc ca này được đặt tại các huyện phía Tây, tỉnh Yên Bái.
Theo GS.TS Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cây mắc ca là loại cây ưa sáng, sinh trưởng và phát triển thích hợp trong điều kiện khí hậu á nhiệt đới; được trồng tại nhiều tỉnh trong cả nước và đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Tại các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên trồng khoảng năm thứ 3 ra bói và đến năm thứ 7 - 8 cho thu hoạch nhiều. Cây mắc ca khi trồng xen trên diện tích chè, cà phê cho hiệu quả rất cao. Trong khi đó, Yên Bái là tỉnh có điều kiện, khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với việc phát triển cây mắc ca, đặc biệt huyện Văn Chấn có diện tích chè lớn, phù hợp trồng xen cây mắc ca.
Tại huyện Văn Chấn, qua khảo sát thực tế cũng như lợi ích kinh tế cây mắc ca mang lại, huyện đã triển khai đề án trồng mắc ca xen chè tại 5 xã, thị trấn với mục tiêu đến năm 2023 có 400 ha mắc ca xen chè. Đồng thời, hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã, giữa sản xuất và chế biến mắc ca. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị canh tác, tăng thu nhập cho nông dân.
Ông Trần Văn Chiến, thôn Hải Chấn, xã Gia Hội, huyện Văn Chấn cho biết, năm ngoái, ông được Nhà nước hỗ trợ giống và đăng ký trồng 50 cây trên diện tích chè của gia đình. Sau 1 năm chăm sóc, ông nhận thấy cây này phát triển khá tốt, phù hợp với đất đai, khí hậu nơi đây. Ông Chiến hy vọng, sau gần 5 năm, cây sẽ cho thu hái quả, góp phần vừa tạo bóng mát cho cây chè vừa nâng cao thu nhập.
Cây mắc ca đã được người dân xã Gia Hội, huyện Văn Chấn trồng tự phát từ năm 2015 và đến nay đã bắt đầu cho bói quả. Theo ông Lò Văn Kiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hội, năm 2020, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và huyện Văn Chấn phối hợp triển khai thực hiện mô hình trồng 5 ha cây mắc ca xen chè với mật độ 150 cây/ha tại thôn Hải Chấn.
Sau 1 năm trồng, cây sinh trưởng tốt, cao từ 1,3-1,5 m và đang phân cành cấp 1. Đặc biệt, thực hiện đề án trồng mắc ca xen chè của huyện năm 2021, địa phương đã tăng cường tuyên truyền về tính khả thi cũng như chính sách ưu đãi về cây giống, đầu ra của quả mắc ca. Đến nay, trên địa bàn xã đã có trên 260 hộ đăng ký tham gia với diện tích 92 ha; trong đó, diện tích đã cấp giống để trồng khoảng 60 ha.
Cùng với xã Gia Hội, thị trấn Nông trường Liên Sơn cũng đang tích cực triển khai trồng mắc ca xen chè theo đề án của huyện. Bà Hoàng Thị Huế, Bí thư Đảng ủy thị trấn cho biết, theo kế hoạch năm 2021, thị trấn trồng 30 ha, nhưng đến nay qua tuyên truyền, vận động bà con đã đăng ký thực hiện trên 45 ha với 75 hộ tham gia.
Thời gian tới, thị trấn tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả diện tích chè hiện có, nhân rộng diện tích trồng xen cây mắc ca nhằm tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Văn Chấn hiện có 4.485,1 ha chè; trong đó, có 376,4 ha chè trồng mới, 4.108,7 ha chè kinh doanh với năng suất bình quân đạt 110,35 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 45.000 tấn. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất cây chè còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng. Một số nơi, việc trồng và chăm sóc còn hạn chế làm giảm hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Vì thế, cây mắc ca với nhiều ưu điểm về giá trị kinh tế, tăng độ che bóng mát sẽ góp phần tăng năng suất của cây chè và thu nhập cho người trồng chè.
Theo ông Hoàng Hữu Dũng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn, trên cơ sở đánh giá, khảo sát thực tế một số mô hình cá nhân đã trồng tại địa bàn huyện cho thấy, cây mắc ca phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu trong vùng; có thể trồng xen với phần diện tích đã trồng chè và trồng thuần trên diện tích đất rừng sản xuất kém hiệu quả.
Đề án trồng mắc ca xen chè được xây dựng và triển khai trên cơ sở đó với diện tích dự kiến đến năm 2023 đạt 400 ha tại 5 xã, thị trấn gồm: Nậm Búng, Gia Hội, Đồng Khê, thị trấn Nông trường Liên Sơn và thị trấn Sơn Thịnh. Mỗi hộ tham gia đề án sẽ được hỗ trợ 50 nghìn đồng/cây giống.
Để đề án triển khai hiệu quả, huyện Văn Chấn đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện đề án cụ thể theo từng năm; phân công nhiệm vụ cho từng phòng, ban chuyên môn; tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của đề án đến nhân dân.
Cùng đó, triển khai tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật và trực tiếp hướng dẫn các hộ tham gia; kiểm soát nguồn giống đảm bảo giống có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng chất lượng theo quy trình kỹ thuật; tiến hành rà soát diện đạt tiêu chuẩn, nghiệm thu các giai đoạn từ chuẩn bị đất, làm đất, đào hố, trồng, nghiệm thu tỷ lệ sống...
Đến hết tháng 7/2021, huyện Văn Chấn đã có 320 hộ đăng ký tham gia đề án với 180 ha; trong đó, các hộ đã trồng được trên 70 ha.