Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá về tiềm năng thúc đẩy ngành Halal của khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng như phổ biến yêu cầu pháp luật, tiêu chuẩn, chứng nhận trong ngành Halal (tiêu chuẩn cho thực phẩm theo quy định Hồi giáo) của một số thị trường tiềm năng cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Hội thảo cũng trao đổi, đánh giá thực trạng, triển vọng ngành Halal tại Việt Nam; xác định các biện pháp, cách thức mới về tăng cường hợp tác và tận dụng các nguồn lực quốc tế để nâng cao năng lực tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal trên toàn cầu và xây dựng định hướng phát triển ngành Halal Việt Nam toàn diện, bền vững.
Các nội dung được báo cáo tại Hội thảo như kinh tế - văn hóa Halal và tiềm năng cơ hội của cho xuất khẩu sản phẩm chủ lực của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; định hướng của địa phương về phát triển kinh tế Halal của các tỉnh trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; yêu cầu về sản phẩm, dịch vụ Halal của một số thị trường Hồi giáo; hoạt động Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Halal phục vụ thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam vào thị trường Halal toàn cầu; chia sẻ kinh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal của một số tổ chức, doanh nghiệp.
Theo nhận định của ngành chuyên môn, thị trường Halal được đánh giá là một thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và là cơ hội cho Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp Halal. Theo phân tích của Trung tâm phát triển Halal (Malaysia), thị trường Halal toàn cầu đạt 3.000 tỷ USD năm 2020 và ước tính đạt 5.000 tỷ USD năm 2030.
So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ…; riêng với khu vực miền Trung - Tây Nguyên,với đặc điểm lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, đã và đang trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn (cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả…), là những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người Hồi giáo. Chính vì vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có cơ hội để tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.
Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam gặp phải một số khó khăn nhất định đối với sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal. Bên cạnh chi phí đầu tư dây chuyển sản xuất, trang thiết bị để sản xuất sản phẩm Halal, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin về văn hóa thị trường Halal, tiêu chuẩn Halal, quy trình chứng nhận Halal và đặc biệt là việc đạt chứng nhận Halal đa dạng, phù hợp với yêu cầu riêng của từng thị trường.
Ngành Halal là ngành cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, bao gồm thực phẩm và đồ uống, du lịch và thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay mặt hàng nông sản của tỉnh Gia Lai xuất khẩu vào thị trường Halal chủ yếu là thô và sơ chế.
Hội thảo là dịp để thúc đẩy mạnh mẽ thông tin tuyên truyền hai chiều giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhằm nâng cao nhận thức, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp của tỉnh sản xuất sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn Halal, gắn với quy hoạch phát triển ngành, địa phương để tham gia sâu và hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu. Qua đó, các doanh nghiệp của tỉnh hiểu rõ và tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường sản phẩm Halal và tìm kiếm các đối tác tiềm năng xuất khẩu sang thị trường các nước Hồi giáo.
Bên cạnh đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm, dịch vụ Halal trên cơ sở hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước nhập khẩu. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thông tin, hiểu yêu cầu quy định đối với thị trường và sản phẩm, dịch vụ Halal.