Theo người dân tại khu vực Tân Quy, phường Trường Lạc, việc sạt lở tuyến đường ven kênh Giáo Dẫn bắt đầu khoảng một tháng trước và vẫn đang tiếp diễn. Bà Lê Thị Tuyết Nhung, người dân sống tại khu vực trên cho biết, vị trí này từng xảy ra sạt lở vào năm 2019, sau đó đã được chính quyền địa phương khắc phục bằng cách đóng cừ dừa gia cố bên ngoài. Tuy nhiên, đến đầu mùa mưa năm 2020, vị trí này lại tiếp tục bị sạt lở với mức độ nghiêm trọng hơn.
Từ ngày con đường trước nhà bị sạt lở, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của gia đình bà Nhung cũng như người dân ở đây gặp khá nhiều khó khăn. Tại vị trí sạt lở trên, mặt đường nhiều chỗ bị sụp kéo dài cả trăm mét, có nơi sâu xuống gần 1 m so với mặt đường trước đó. Đặc biệt, có đoạn bị sạt hoàn toàn hơn 15 m, ăn sâu vào phía trong, chỉ còn đủ chỗ cho một chiếc xe máy chạy qua. Tuyến đường này hàng ngày có khá đông người qua lại, mỗi khi tới điểm sạt lở nói trên, các phương tiện chỉ có thể lưu thông qua từng chiếc một.
Dù nguy hiểm là vậy nhưng theo quan sát của phóng viên, tại đoạn bị sạt hoàn toàn nói trên vẫn chưa có phương án khắc phục tạm nào. Theo người dân, việc di chuyển qua đoạn sạt lở này vào ban đêm, nước sông dâng cao, nếu không chú ý có thể lạc tay lái lao xuống sông bất cứ lúc nào.
Cũng trên kênh Giáo Dẫn, hướng từ chợ Giáo Dẫn ra sông Cần Thơ còn có một điểm xói lở khác đã ăn sâu hơn nửa con đường với chiều dài gần 20 m. Chính quyền địa phương đã cho căng dây cảnh báo nguy hiểm ở hai đầu, đồng thời tiến hành gia cố tạm bằng cừ dừa và bao tải cát trong khi chờ thành phố đưa ra phương án xử lý.
Theo UBND quận Ô Môn, các vị trí này vẫn đang tiếp tục bị sạt lở. Mặc dù địa phương đã xử lý bằng nhiều giải pháp khác nhau tại các vị trí xung yếu, song đây chỉ là biện pháp tình thế, không mang tính ổn định và lâu dài, sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra.
Ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn cho biết, hiện trên toàn quận có 40 điểm sạt lở với chiều dài hơn 4 km; trong đó “nóng” nhất là các điểm sạt lở trên tuyến sông Ô Môn và kênh Giáo Dẫn. Hiện UBND quận đang phối hợp với thành phố tiến hành khảo sát, tìm phương án khắc phục. Địa phương vận động người dân di dời đồ đạc, những vật dụng cần thiết để tránh thiệt hại về tài sản, tính mạng nếu sạt lở xảy ra. Bên cạnh đó, quận thường xuyên kiểm tra, cảnh báo, tuyên truyền để người dân không chủ quan hay có những hành động có thể khiến tình trạng sạt lở trầm trọng hơn.
Khảo sát thực tế tình hình sạt lở trên địa bàn quận Ô Môn mới đây, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quận Ô Môn phối hợp thực hiện nhanh việc khảo sát, đánh giá lại nguyên nhân, mức độ sạt lở để tham mưu UBND thành phố tính toán phương án khắc phục tối ưu nhất. Đặc biệt, cần triển khai ngay việc lắp đặt các biển cảnh báo sạt lở để người dân chủ động phòng ngừa cũng như vận động các hộ bị ảnh hưởng khẩn trương di dời nhằm tránh những thiệt hại không mong muốn.
Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn Cần Thơ xuất hiện 29 điểm sạt lở làm sạt hoàn toàn 11 căn nhà, 65 căn nhà bị ảnh hưởng, trên tổng chiều dài 1.440 m, ước tính thiệt hại tài sản trên 16,5 tỷ đồng.