Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, mực nước thượng nguồn sông Mê Kông xuống nhanh và đang ở mức rất thấp; mực nước đầu nguồn tại Châu Đốc (An Giang) và các trạm nội đồng trong tỉnh giảm rất nhanh. Mặn xâm nhập trở lại vùng Tứ giác Long Xuyên từ hướng đầm Đông Hồ (Tp. Hà Tiên) vào kênh Rạch Giá - Hà Tiên, ảnh hưởng sản xuất của hai huyện Kiên Lương và Giang Thành. Xâm nhiễm mặn vào sâu trong nội đồng 10 - 15 km, diễn biến bất thường, trái với tình hình nước mặn xâm nhập hàng năm vào mùa khô trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Thanh Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương cho biết, nước mặn xâm nhiễm chưa gây thiệt hại sản xuất trên địa bàn huyện, nhưng nguy cơ một số trà lúa sẽ bị ảnh hưởng năng suất. Nhờ xuất hiện mưa lớn, kéo dài mấy ngày qua đã bổ sung nguồn nước ngọt đáng kể cho đồng ruộng và hệ thống kênh mương nội đồng.
Độ mặn một số tuyến kênh nội đồng đã giảm, dao động từ 0,4 - 0,6‰ UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với huyện khẩn trương đắp lại đập Hòa Điền trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên tại xã Hòa Điền và một số tuyến kênh rạch khác để bảo vệ lúa Hè Thu 2019, ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân trong vụ Đông Xuân.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tình hình, diễn biến xâm nhập mặn để chủ động triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Các ngành chức năng cũng đắp đập tạm trên Kinh Nhánh để cùng với hệ thống công trình cống thủy lợi sông Kiên, Kênh Cụt… ở thành phố Rạch Giá ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên và các vùng lân cận.
Bên cạnh đó, các địa phương rà soát lại các cửa biển, cửa sông lớn có nguy cơ xâm nhập mặn vào nội đồng nhưng chưa có công trình thủy lợi điều tiết nước, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để đắp đập ngăn mặn; khẩn trương bảo dưỡng, sửa chữa các cống ngăn mặn ven biển đảm bảo việc vận hành trong mùa mưa bão.
Đồng thời, tổ chức quản lý, vận hành hệ thống cống thủy lợi trên đê biển, đê sông hợp lý với điều kiện nguồn nước thực tế trên đồng đất, phù hợp với từng vùng sinh thái đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân.
Ngoài ra, đầu tư nạo vét những kênh rạch nội đồng bị bồi lắng để tích trữ nước ngọt khi con đang mùa mưa, phòng tránh thiếu nước trong mùa khô sắp đến. Khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ trong sản xuất vụ lúa Đông Xuân, trồng hoa màu và nuôi tôm; chủ động các phương án phòng tránh, ứng phó với thiên tai có thể xảy ra.