Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế các nước tham gia TPP chụp ảnh chung tại lễ ký. Ảnh: TTXVN phát |
Ngày 4/2, lãnh đạo 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Hợp tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã ký thỏa thuận cuối cùng tại Auckland (New Zealand), tiến thêm một bước đi quan trọng trong tiến trình hiện thực hoá TPP. Tuy nhiên, chặng đường đến khi thỏa thuận này chính thức có hiệu lực vẫn còn xa và phụ thuộc vào việc phê chuẩn ở các quốc gia, đặc biệt là hai thành viên chủ chốt là Mỹ và Nhật Bản. Riêng tại Canada, tiến trình này được cho là sẽ không dễ dàng do vấp phải những phản ứng trái chiều từ nhiều ngành nghề.
Lo ngại bị phóng đạiDù thỏa thuận cuối cùng của TPP đã được ký, nhưng không phải tất cả người dân Canada đều ủng hộ, do những tác động được dự báo không hề nhỏ đối với một số ngành xương sống của Canada như nông nghiệp, sản phẩm chăn nuôi và công nghiệp ô tô. Tham gia TPP, Canada sẽ phải mở cửa thị trường theo lộ trình cho các sản phẩm có tính cạnh tranh cao từ các nước trong nhóm, nhất là bơ và pho-mát từ New Zealand, ô tô từ Nhật Bản và những mặt hàng cạnh tranh mạnh từ thị trường láng giềng Mỹ.
Người dân lo ngại TPP sẽ bóp nghẹt hệ thống quản lý nguồn cung và dỡ bỏ thuế quan, vốn là những rào cản bảo vệ ngành công nghiệp sữa Canada trước sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ nước ngoài. Trong các cuộc đàm phán TPP trước đây, Mỹ và New Zealand muốn Canada phải cắt giảm thuế đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu. Lâu nay, Canada không muốn mở rộng cửa để hàng ngoại vào cạnh tranh với thị trường nông sản nước này vốn được bảo hộ chặt chẽ. Nếu Canada buộc phải làm như vậy, có thể dẫn tới những hậu quả nặng nề cho tương lai của giới sản xuất bơ sữa ở Canada.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, đây chỉ là sự phóng đại nỗi sợ hãi của những người vốn được bảo hộ. Trên thực tế, ngành sữa của Canada ít chịu tác động do chính phủ chỉ phải mở thêm 3,25% thị trường cho sữa nhập khẩu, nâng thị phần cho sữa nhập khẩu lên 13,25% so với mức 10% hiện nay. Những tác động đối với các sản phẩm phụ trợ thậm chí còn ít hơn như chỉ mở 2,3% thị trường trứng, 2,1% thị trường thịt gà, 2% thị trường thịt gà tây và 1,5% thị trường trứng giống.
Đối với ngành công nghiệp ô tô, nhiều người cũng lo ngại rằng TPP sẽ khiến công ăn việc làm của người lao động trong ngành này bị ảnh hưởng. Theo quy định trong TPP, ô tô nguyên chiếc sẽ được miễn thuế nếu có 45% số linh kiện được sản xuất từ các nước tham gia Hiệp định, thấp hơn nhiều so với mức 62,5% hiện đang được quy định trong Khu vực Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), do vậy, nhiều linh kiện ô tô của nước ngoài sẽ vào thị trường Canada. Các nhà sản xuất phụ tùng và lắp ráp ô tô Canada cho rằng TPP sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho các nhà sản xuất Nhật Bản khi họ có thể dễ dàng xuất khẩu sang thị trường Canada. Tuy nhiên, giới phân tích lại cho điều này sẽ làm lợi cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng, vì họ có nhiều sự lựa chọn với những sản phẩm tốt hơn.
Bảo vệ bản quyền đối với sách, tác phẩm âm nhạc, bằng sáng chế về dược phẩm, phần mềm và thương hiệu cũng là vấn đề lớn đối với Canada sau khi ký kết TPP. Một trong những "điểm vênh" rõ ràng nhất giữa Luật sở hữu trí tuệ hiện hành của Canada và của TPP là về thời gian bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. TPP đòi hỏi 70 năm bảo vệ các tác phẩm có bản quyền sau cái chết của người sáng tạo ra chúng, trong khi luật Canada hiện chỉ là 50 năm bảo vệ sau khi chết. Doanh nhân Jim Balsillie, đồng sáng lập kiêm cựu Tổng giám đốc hãng điện thoại nổi tiếng của Canada BlackBerry, đã chỉ ra những bất lợi mà Canada phải gánh chịu sau khi ký TPP. Đó là, các quy tắc bất ổn trong lĩnh vực bản quyền sáng chế, trao cho các công ty Mỹ lợi thế và khiến các công ty Canada phải chi phí nhiều hơn.
Đem lại nhiều cơ hội
Trong bối cảnh nền kinh tế Canada đang bị suy giảm do giá dầu thế giới giảm mạnh, nhiều người dân Canada kỳ vọng TPP có thể giúp nước này đẩy mạnh xuất khẩu đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Chính phủ Canada khẳng định việc tham gia TPP mang lại nhiều lợi thế cho nền kinh tế Canada, một nền kinh tế với 2/3 thị trường việc làm phụ thuộc vào ngành xuất khẩu và có tới 65% hàng nông sản xuất khẩu có đích đến là các nước ở hai bên bờ Thái Bình Dương với thị trường 800 triệu dân và chiếm tới 40% GDP toàn cầu. Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada Chrystia Freeland, khẳng định Canada không thể đứng ngoài xu hướng phát triển chung đó. Hiện tại, số người ủng hộ TPP tại Canada đang tăng lên. Đa số người dân và cộng đồng doanh nghiệp Canada cho rằng TPP đem lại lợi ích chung cho các nước thành viên thông qua việc xóa bỏ hàng rào thuế quan, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, gắn kết các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc Canada sẽ phải cắt giảm hoặc dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan đối với một loạt mặt hàng từ rau quả, thịt, rượu, đồ uống có gas, dầu calona, lúa mạch, máy móc, lâm sản và khoáng sản… sẽ giúp các nhà sản xuất của Canada tăng mạnh sản lượng xuất khẩu sang các nước trong nhóm. Ví như, ngành công nghiệp thịt bò sẽ tăng gấp 3 sản lượng xuất khẩu sang Nhật Bản sau khi thuế được cắt giảm theo lộ trình từ mức 39% hiện nay xuống còn 9% trong vòng 15 năm tới. Hiện nay, thịt bò xuất khẩu của Canada, huyết mạch của ngành phát triển bò thịt, phần lớn là nhắm tới khách hàng Mỹ. Trong tương lai, dòng chảy này sẽ được mở rộng sang thị trường châu Á đầy tiềm năng, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Đài Trang (Việt kiều ở Toronto) - thành viên Ban quản trị của Hội đồng Thương mại Canada - Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu về TPP cho rằng, TPP là một cơ hội rất tốt cho Canada tiếp cận với các thị trường mới. Rõ ràng đây là thời điểm tốt nhất cho doanh nghiệp Canada nắm bắt cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm lệ thuộc vào thị trường Mỹ.