Quan chức Mỹ nói rằng, máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị tên lửa đất đối không từ phe ly khai bắn hạ. Cùng lúc, Ủy ban điều tra Nga nói rằng khả năng MH17 trúng tên lửa không đối không là cao nhất, nhưng đó không phải là tên lửa do Nga sản xuất. Hãng tin CNN ngày 15/7 dẫn các nguồn tin cho biết, dự thảo báo cáo sơ bộ do Ủy ban An toàn Hà Lan (DSB) soạn thảo nói rằng, MH-17 bị trúng tên lửa Buk đất đối không được phóng đi từ một ngôi làng nằm trong vùng kiểm soát phe ly khai. Một nguồn tin tin khác cho biết, dự thảo báo cáo mô tả chi tiết diễn biến thời gian thực theo từng phút liên quan đến thảm kịch xảy ra ngày 17/7/2014 trên bầu trời Donetsk, làm 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Không dừng lại ở việc quy địa điểm phóng tên lửa, nguồn tin nói rằng dự thảo kết luận phe ly khai là “thủ phạm” bắn hạ MH17.
Hiện trường sót lại sau vụ MH-17 rơi trên bầu trời Donetsk. Ảnh: Reuters |
Cả 2 nguồn tin đều đề cập đến lỗi của hãng hàng không Malaysia, vì đã để MH17 bay trên bầu trời Donetsk trong ngày hôm đó. Các hãng khác đều tránh bay trên lộ trình này do lo ngại xung đột. Tuy nhiên, hãng hàng không Malaysia đã không đọc điện văn thông báo hàng không (NOTAM) do các nước khác phát đi, vẫn cho MH17 thực hiện hành trình bay qua không phận Donetsk. NOTAM là các bức điện được gửi tới cho phi công trước một chuyến bay, khuyến cáo họ về các tình huống có thể xảy ra trong khi bay, trong đó bao gồm cảnh báo nguy hiểm khi bay qua vùng xung đột.
DSB là đầu mối chủ trì điều tra thảm kịch hàng không MH17. Cơ quan này đang hoàn thiện những đánh giá cuối cùng và báo cáo chính thức dự kiến được công bố vào giữa tháng 10 tới. CNN cũng cho biết, dự thảo có độ dài vài trăm trang đã được gửi tới một số cơ quan trên thế giới trong đó có Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB), Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) và hãng Boeing để thẩm định, đánh giá. Tuy nhiên, cả 3 cơ quan này cùng với DSB vẫn chưa đưa ra bình luận nào về các thông tin mà CNN công bố.
Nga: Tên lửa không đối không đã bắn hạ MH-17Cùng ngày, Ủy ban điều tra Nga (RIC) nói rằng, khả năng cao nhất là MH-17 đã bị bắn hạ bởi tên lửa không đối không và đó không phải là loại do Nga sản xuất. Người đứng đầu RIC Vladimir Markin cho biết, cơ quan này cũng mở cuộc điều tra độc lập ngay sau khi xảy ra thảm kịch. Kết luận điều tra sơ bộ cho thấy máy bay của hãng hàng không Malaysia dường như đã bị trúng tên lửa được phóng đi từ một máy bay khác và “các chuyên gia cho rằng loại tên lửa này không được sản xuất ở Nga”.
Ông Markin cũng nói rằng kết luận của các nhà điều tra Nga trùng khớp với những gì mà nhân chứng Evgeny Agapov – một thợ kĩ thuật của không quân Ukraine hiện đang được Nga bảo vệ nghiêm ngặt, đưa ra trước đó. Agapov thừa nhận, hôm xảy ra thảm kịch, một máy bay Su-25 của quân đội Ukraine đã được lệnh xuất kích, thực thi nhiệm vụ và khi trở về thì không còn thấy tên lửa mang theo.
Nga một lần nữa lên tiếng phản đối ý tưởng thành lập một Tòa án Quốc tế để xét xử vụ MH-17. Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin ngày 15/7 tuyên bố không có cơ sở để thành lập một tòa án như vậy và quan điểm này nhận được sự đồng thuận của Trung Quốc, dù Mỹ và Nga thậm chí còn tỏ ra sốt sắng hơn cả Malaysia. Ông Churkin đồng thời bày tỏ sự không hài lòng với kiểu điều tra khép kín như hiện nay, khi mà các chuyên gia của Nga không được tham dự. Trước đó, ngày 14/7, Malaysia đã trình dự thảo lên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, yêu cầu mở phiên tòa quốc tế xét xử thủ phạm đứng sau vụ MH-17 rơi trên bầu trời Donetsk.
Cùng ngày, lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine cũng lên tiếng phủ nhận các thông tin mới được CNN đưa ra. Chủ tịch Hội đồng quốc gia Cộng hòa Donetsk tự xưng (DPR) Andrey Purgin nói rằng tại thời điểm xảy ra thảm kịch, DPR không kiểm soát vùng lãnh thổ gần Torez - địa điểm máy bay rơi, do nơi đây là khu vực giao tranh ác liệt và phải đến 3-4 tháng sau mới phân định được ranh giới kiểm soát.