Đến nay, hoạt động khoan lấy dầu tại những vùng nước sâu vẫn được thực hiện rộng rãi trên các bờ biển trải khắp nước Mỹ. Trong khi sự giám sát của chính phủ đã được thắt chặt sau thảm hoạ môi trường, các nhà bảo tồn vẫn lo ngại rằng những rủi ro về một vụ rò rỉ mới có thể gia tăng bởi sự lao dốc của thị trường năng lượng sẽ khiến các nhà sản xuất lớn tiến hành cắt giảm nhân sự.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), khoảng 17% sản lượng dầu thô và 5% sản lượng khí đốt tự nhiên của nước này được khai thác từ vùng biển khổng lồ. Tiến bộ công nghệ được coi là một trong những nguyên nhân giúp cải thiện năng suất ngành công nghiệp này. Trong đó, các giàn khoan ngoài khơi từ lâu đã được coi là hình thức sản xuất có lợi nhất giúp cho nước Mỹ duy trì sự độc lập về năng lượng.
Phil Flynn, chuyên gia phân tích năng lượng của Tập đoàn Price Futures, cho biết: "Deepwater Horizon là giàn khoan có khả năng khai thác sâu hơn bất kỳ giếng dầu nào tại thời điểm xảy ra tai nạn”. Mặc dù vậy, những năm gần đây, hoạt động khoan nước sâu đã không còn là lựa chọn hàng đầu của các nhà khai thác. Thay vào đó, phương pháp khoan thủy lực – quá trình chiết xuất khí thiên nhiên từ sâu trong lòng đất, có chi phí phải chăng hơn - đã dần chiếm được ưu thế.
Sau vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon, Chính phủ Mỹ đã tăng cường các quy định xung quanh hoạt động khoan nước sâu. Bắt đầu từ năm 2011, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã thành lập Cục An toàn và Thực thi Môi trường (BSEE), có hoạt động tách biệt hẳn với nhiệm vụ thúc đẩy ngành dầu khí do Cơ quan Dịch vụ quản lý khoáng sản (MMS) đảm nhiệm. Trong khi đó, các công ty dầu khí lớn cũng được yêu cầu đảm bảo rằng họ đang quản lý những rủi ro liên quan đến hoạt động khoan dầu ngoài khơi một cách hợp lý.
Năm 2010, các bang xung quanh Vịnh Mexico mất gần ba tháng để đối phó với vụ rò rỉ dầu từ giàn khoan Deepwater Horizon đã làm tắc nghẽn các bãi biển, các khu du lịch bị hư hại và giết chết hàng triệu sinh vật biển. Ngoài ra, BP đã phải chi hàng chục tỷ USD vì sự cố tràn dầu, giải quyết các vụ kiện khác nhau, bồi thường cho các công ty đã chịu tổn thất liên quan và giúp khôi phục môi trường của khu vực. Donald Boesch, một chuyên gia của BSEE đồng thời là Giáo sư về khoa học biển thuộc Đại học Maryland, cho biết: "Tất cả các công ty khác đã học được rất nhiều từ kinh nghiệm từ sự cố của BP có và đã chủ động cải thiện hoạt động nội bộ của mình".
Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia này, triết lý ủng hộ nhiều hơn cho sự tăng trưởng sản xuất dầu và duy trì vị thế nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể sẽ dẫn đến sự suy yếu của các quy tắc điều chỉnh. Vào tháng 1/2018, Nhà Trắng tuyên bố ý định cho phép khai thác dầu khí ở hầu hết các vùng nước ven biển của Mỹ. Quyết định này đã tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ một số bang và là chủ đề của một số cuộc chiến pháp lý đến nay vẫn chưa được giải quyết.
"Thay vì học bài học từ thảm họa BP, Tổng thống Trump đã đề xuất mở rộng triệt để hoạt động khoan dầu ngoài khơi, đồng thời tháo gỡ một số biện pháp bảo vệ đã được đưa ra kể từ sau hậu quả thảm khốc", Diane Hoskins - Giám đốc chiến dịch của tổ chức phi lợi nhuận về các vấn đề bảo tồn đại dương Oceana cho biết.
Tổ chức Oceana trong một báo cáo mới công bố về hậu quả kinh tế và sinh thái của vụ tai nạn Deepwater, đã kết luận rằng nếu một thảm họa mới xảy ra, những hậu quả của nó sẽ lớn hơn so với 10 năm trước. Báo cáo nêu rõ: "Việc mở rộng ngành công nghiệp sang các lĩnh vực mới khiến sức khỏe con người và môi trường gặp nguy hiểm".
Cùng với đó, cuộc khủng hoảng hiện nay đối với ngành dầu khí – chịu ảnh hưởng nặng nề từ mức tiêu thụ và giá dầu thế giới giảm mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, cũng khiến bức tranh trở nên đáng lo ngại hơn, một số nhà phân tích cho biết.
"Nếu các công ty đang chịu áp lực tài chính, họ buộc phải cắt giảm chi phí bằng cách giảm số lượng nhân viên. Điều này đi kèm với rủi ro". Giáo sư Boesch nói: "Đó là những gì chúng ta đã thấy trong vụ tai nạn Deepwater”.