Phát biểu ngày 10/7 trong cuộc họp trực tuyến ở Geneva, Thụy Sĩ, người phát ngôn WFP Elisabeth Byrs nêu rõ: "Tình hình nhân đạo (tại Yemen) đang trở nên tồi tệ với tốc độ đáng báo động, đẩy người dân vào tình cảnh nguy hiểm. Chúng ta phải hành động ngay." Bà Byrs nhấn mạnh những dấu hiệu cảnh báo về nạn đói đã hiện hữu tại Yemen.
Theo người phát ngôn WFP, Yemen đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng trên nhiều lĩnh vực như nhập khẩu giảm, giá lương thực tăng cao, đồng nội tệ rơi tự do và dự trữ ngoại tệ hầu như không còn. Trên 20 triệu người ở Yemen đang trong tình trạng mất an ninh về lương thực, 13 triệu người trong số này sống nhờ viện trợ lương thực. Trong khi đó, 2 triệu trẻ em, 1 triệu phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bú cần được chăm sóc sức khỏe vì bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
Yemen rơi vào nội chiến kể từ khi phiến quân Houthi đánh chiếm thủ đô Sanaa cuối năm 2014 và chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi phải lưu vong. Năm 2015, một liên minh quân sự Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực.
Trong 6 năm qua, xung đột tại Yemen đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, 4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và 80% trong tổng số 29 triệu dân của nước này đang sống nhờ vào viện trợ nhân đạo. Chiến tranh liên miên và tiếp đó là sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến tình hình ở Yemen ngày càng trầm trọng.
Tại hội nghị trực tuyến các nhà tài trợ cho Yemen do Saudi Arabia và LHQ đồng chủ trì tháng trước, LHQ đã quyên góp được khoảng một nửa trong tổng số 2,41 tỷ USD cần để viện trợ cho Yemen nhằm giúp quốc gia này giải quyết những nhu cầu khẩn cấp trong lĩnh vực nhân đạo như y tế và thực phẩm.
WFP cho biết cơ quan này cần 737 triệu USD cho tới cuối năm nay để tiếp tục duy trì hoạt động viện trợ tại Yemen. WFP đã giảm bớt dần hoạt động phân phát viện trợ nhân đạo ở miền Bắc Yemen và hy vọng không phải làm như vậy ở những nơi khác của nước này.