Dựa trên những gì xảy ra cuối năm 2019, giới chuyên gia dầu mỏ đưa ra dự báo 10 xu hướng và nhân tố quan trọng nhất trên thị trường dầu mỏ năm 2020, ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới.
1. Sản lượng dầu từ đá phiến sét của Mỹ sẽ tiếp tục tăng: Trong năm 2019, sản lượng dầu từ đá phiến sét của Mỹ đã có xu hướng giảm, nhưng tất cả các chuyên gia và các tổ chức vẫn hy vọng nguồn cung dầu từ Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020. Tăng trưởng có thể chậm, do chi phí vốn vay của các nhà khoan dầu sẽ giảm, nhưng Mỹ sẽ vẫn là nước đóng góp chính vào tăng trưởng nguồn cung dầu của các nước ngoài OPEC trong năm tới.
2. Số giàn khoan được duy trì ổn định: Dù thực tế là số giàn khoan và lượng dầu mỏ của Mỹ đã giảm hơn 250 đơn vi trong năm 2019 (tính đến ngày 20/12) so với cùng kỳ năm trước, nhưng số giàn khoan đang hoạt động trong tuần trước đã tăng 18 dàn, lần đầu tiên tăng ở cấp hai con số kể từ đầu tháng 4.
3. Xuất khẩu dầu mỏ và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ sẽ tiếp tục tăng cùng với sự gia tăng về cơ sở hạ tầng trong năm 2020: Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trong tháng 9 vừa qua, Mỹ đã xuất khẩu dầu thô và sản phẩm hóa dầu nhiều hơn lượng nhập khẩu. Đây là tháng đầu tiên Mỹ là nhà xuất khẩu ròng về dầu sau kỷ lục đạt được năm 1973 tính trên cơ sở hằng tháng. Tài liệu mang tên Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) của EIA dự kiến tổng lượng dầu và LNG xuất khẩu của Mỹ dự kiến đạt trung bình 570.000 thùng/ngày vào năm 2020, so với con số nhập khẩu ròng trung bình 490.000 thùng/ngày trong năm 2019.
4. Giá dầu mỏ và khí đốt sẽ vẫn ở mức cao trong năm 2020: Việc tăng sản lượng ở các nước ngoài OPEC không tham gia thỏa thuận OPEC+, mà chủ yếu là ở Mỹ, Brazil và Na Uy, dự báo sẽ khiến giá dầu không thể tăng nhiều, trong khi OPEC+ cắt giảm sản lượng và dự báo tăng như cầu về dầu mỏ, cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sẽ giữ cho giá dầu không giảm quá sâu.
5. Tình trạng thiếu nguồn cung bất ngờ sẽ chỉ tác động nhỏ đến giá: Do nguồn cung từ các nước ngoài OPEC tăng, nên khả năng thiếu nguồn cung không mong muốn trong ngắn hạn có thể tác động đến giá dầu ít hơn so với cách đây 5-10 năm. Ví dụ trường hợp các vụ tấn công giữa tháng 9 vừa qua nhằm vào cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia đã đẩy giá lên cao, đạt 62,90 USD/thùng - mức cao nhất trong 5 tháng, nhưng chỉ trong một ngày, vì nhu cầu dầu mỏ không tăng và cuộc tranh cãi thương mại kéo dài cũng tác động đến giá cả.
6. Các vụ phá sản tại Mỹ trong lĩnh vực đá phiến sét có thể gia tăng: Số vụ phá sản và số công ty tìm kiếm sự bảo trợ của các tổ chức tín dụng dự kiến sẽ tăng trong năm 2020, tiếp tục xu thế trong năm 2019. Ước tính ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ có tới 33 đơn xin phá sản trong năm nay tính đến tháng 9, hơn số đơn trong cả năm 2017 và 2018, lần lượt là 24 và 28 đơn. Do suy giảm năng lực tài chính trên thị trường chứng khoán và các thị trường nợ, thêm nhiều công ty nhỏ có thể sẽ gặp khó khăn trong suốt năm 2020.
7. Các vụ sáp nhập và thâu tóm sẽ gia tăng: Ngày càng nhiều công ty dầu khí của Mỹ gặp nguy hiểm và có ít lựa chọn về vốn có thể đồng nghĩa với việc những công ty nhỏ hơn có thể bị các "đại gia" thâu tóm hoặc các công ty nhỏ sẽ liên kết lại tạo thành các tập đoàn lớn nhằm cắt giảm chi phí. Nhiều dấu hiệu về xu hướng này đã xuất hiện trong năm 2019 và làn sóng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2020. Tuần trước, các cổ đông của Callon Petroleum và Carrizo Oil&Gas đã phê chuẩn thỏa thuận sáp nhập toàn bộ cổ phiếu. Cách đây hai tháng, Parsley Energy và Jagged Peak Energy thông báo rằng Parsley sẽ mua lại toàn bộ cổ phiếu của Jagged Peak với giá 2,27 tỷ USD, bao gồm cả nợ của công ty này.
8. Tăng trưởng nhu cầu về dầu mỏ sẽ tùy thuộc vào khả năng giảm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Giá dầu đã đạt ngưỡng cao nhất trong vòng 3 tháng vào ngày 13/12 vừa qua trong bối cảnh gia tăng sự lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1. Trong những ngày sau khi thỏa thuận được thông báo, Trung Quốc đã dỡ bỏ khỏi danh sách đánh thuế 6 loại hóa chất và sản phẩm chiết xuất từ dầu mỏ của Mỹ.
9. OPEC+ hợp tác như thế nào sau tháng 3/2020: Một nhân tố quan trọng khác cần theo dõi trong năm tới là OPEC và các đối tác ngoài khối, do Nga đứng đầu, sẽ làm gì sau tháng 3/2020, khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện nay hết hiệu lực. Động thái tiếp theo của khối này và các đồng minh sẽ chủ yếu tùy thuộc vào việc tăng trưởng nhu cầu về dầu mỏ sẽ như thế nào trong quý I. Động thái này cũng sẽ tùy thuộc vào việc OPEC và các "bạn hữu" sẽ muốn giảm bao nhiêu lượng dầu khỏi thị trường so với kế hoạch, tức là liệu tất cả các thành viên có cùng giảm đúng theo thỏa thuận hay không.
10. Thiếu hụt nguồn cung bất ngờ ở các khu vực hẻo lánh: Các tác nhân tham gia thị trường dầu mỏ sẽ tiếp tục giám sát các diễn biến tại Libya và Iraq, bởi những diễn biến tại đây có thể bất ngờ "bóp nghẹt" thị trường dầu mỏ, vượt qua bất kỳ dự báo nào.