Theo ông, những xu hướng hiện tại cho
thấy thế giới không ở thời kì “tốt đẹp”, khi mà xung đột nổ ra ở hầu
khắp các khu vực. “20 năm sau thời điểm Chiến tranh Lạnh kết thúc, xung
đột chết người có giảm. Các cuộc chiến tranh cũng giảm theo, số người
chết trên thế giới trong các cuộc chiến cũng giảm. Thế nhưng 5 năm trở
lại đây, xu thế tích cực này dường như đang bị đảo ngược. Theo từng năm,
số lượng các cuộc xung đột, các nạn nhân, số người phải chạy nạn ngày
một tăng. Năm 2016 sẽ không có nhiều cải thiện so với 2015”, ông
Guéhenno - người hiện là Giám đốc điều hành tổ chức Nhóm khủng hoảng
Quốc tế (ICG), bình luận.
Cựu quan chức ngoại giao Pháp cũng chỉ tên 10 xung đột mà cộng đồng quốc tế cần hướng sự chú ý, nỗ lực, nếu không muốn chúng biến thành chiến tranh lớn. Nội chiến Syria đứng đầu bảng, nhưng không phải là không có lối thoát, cụ thể là cơ hội giải quyết bằng con đường ngoại giao. Bất ổn tại Iraq, Yemen đứng ở vị trí thứ hai và thứ 3, mà nguyên do là những mâu thuẫn giáo phái. Kế tiếp là đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng đảng Công nhân người Kurd (PKK), cuộc chiến tranh giành quyền lực ở Libya với khả năng lan rộng sang khu vực hạ Sahara, nhất là Mali và vùng bồn địa hồ Chad. Điểm nóng thứ 6 cũng nằm ở châu Phi, với mối hiểm họa đến từ quân thánh chiến Boko Haram ở Nigeria, có khả năng “kích hoạt” bất ổn sang các nước Niger, Cộng hòa Chad và Cameroon láng giềng.