Trong bản báo cáo công bố hôm 20/11, trước thềm Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12), Liên hợp quốc (LHQ) đã đưa ra những tổng kết khả quan trong cuộc chiến chống lại bệnh dịch thế kỷ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn không khỏi lo ngại việc thế giới có thể để lỡ mục tiêu “bắt đầu sự chấm dứt của HIV/AIDS” vào năm 2015.
“Câu chuyện thành công”
Trong báo cáo nói trên, Chương trình phối hợp của LHQ về HIV/AIDS (UNAIDS) đã đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của các quốc gia ở khu vực Caribe trong cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ này khi giảm được tới 42% số ca nhiễm mới. Các nước tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi cũng giảm được hơn 35% số bệnh nhân nhiễm mới HIV/AIDS. Tuy nhiên, tại Đông Âu và Trung Á, số trường hợp nhiễm mới HIV vẫn tiếp tục tăng thêm 21%. Mức tăng này ở Trung Đông và Bắc Phi là 17%.
Diễu hành tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN |
Theo các chuyên gia của UNAIDS, trong năm 2011, nhờ có nguồn đầu tư tài chính thỏa đáng cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS nên số trường hợp tử vong do căn bệnh này đã giảm được 500.000 ca so với năm 2005 (tương đương 24%), xuống còn 1,7 triệu ca.
Tiến bộ đạt được trong phòng chống và điều trị HIV/AIDS là rất đáng kể tại khu vực cận Sahara, nơi chịu sự tàn phá nặng nề nhất của căn bệnh thế kỷ. Kể từ năm 2001, tỉ lệ nhiễm HIV mới đã được giảm tới 73% tại Malauy, 71% tại Bốtxoana, % tại Namibia, 58% tại Dămbia, 50% tại Dimbabuê và 41% tại Xoadilen.
Khu vực cận Sahara cũng giảm được 1/3 số ca tử vong liên quan đến AIDS trong 6 năm qua và tăng số người được điều trị kháng virus lên 59% chỉ trong 2 năm trở lại đây.
Những số liệu mới nhất từ các quốc gia vùng cận Sahara và trên khắp thế giới đã “kể một câu chuyện thành công rõ ràng”, với con số kỷ lục mạng người được cứu sống trong 6 năm qua khi số người chết vì các bệnh liên quan đến AIDS trong năm 2011 đã giảm tới hơn nửa triệu ca so với 6 năm trước.
Trên phạm vi toàn cầu, trong năm 2011 đã có 2,5 triệu người nhiễm mới HIV/AIDS, giảm so với con số 2,6 triệu trường hợp nhiễm mới của một năm trước đó và giảm 20% so với năm 2001. Số trẻ em nhiễm mới là 330.000 em, giảm 40.000 em so với năm 2011 và giảm tới 43% so với năm 2003. Và trên khắp thế giới hiện nay có 34 triệu bệnh nhân HIV/AIDS.
LHQ nhấn mạnh, số người nhiễm HIV/AIDS đã giảm đáng kể song hiện vẫn có tới 0,6% dân số toàn cầu mang trong người loại virus chết người này, đặc biệt tại một số khu vực ở châu Phi như nam sa mạc Sahara có tới 4% thanh thiếu niên đang phải sống chung với HIV/AIDS.
Đếm ngược tới mục tiêu Thiên niên kỷ
Thế giới đang còn lại 1.000 ngày để đạt được mục tiêu toàn cầu tới năm 2015 về giảm 50% lây nhiễm HIV qua đường tình dục và lây nhiễm mới trong những người dùng ma túy, loại bỏ lây nhiễm HIV mới trong trẻ em, cung cấp điều trị kháng virus cho 15 triệu người và giảm số ca tử vong vì bệnh lao liên quan đến AIDS xuống 50%.
Đây là một phần của Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ mà các thành viên LHQ đã nhất trí từ năm 2000. Nhưng bất chấp những kết quả thành công mà Liên hợp quốc thông báo, quỹ ONE (một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động chống đói nghèo và phòng chống dịch bệnh, do danh ca Bono của ban nhạc U2 đồng sáng lập) ngày 27/11 đã đưa ra cảnh báo rằng, thế giới đang mất đi xung lực trong cuộc chiến chống đại dịch thế kỷ.
ONE cho rằng, “một sự bắt đầu của thời kỳ chấm dứt AIDS” vẫn còn nằm ngoài tầm với của thế giới, khi số người nhiễm mới hằng năm vẫn bỏ xa số người được điều trị. Theo tổ chức này, những tiến bộ trong thập kỷ qua đã giảm mạnh số ca tử vong liên quan đến AIDS, chủ yếu nhờ bệnh nhân được tiếp cận tốt hơn với các biện pháp điều trị. Tuy vậy, trong khi việc điều trị được cải thiện, năm 2011 lại có tới 2,5 triệu người nhiễm mới HIV. Con số này gấp hơn hai lần mục tiêu chỉ có 1,1 triệu người nhiễm mới mỗi năm, một mục tiêu hỗ trợ cho các chiến dịch chống đói nghèo và phòng bệnh.
Tính đến cuối năm 2011, toàn thế giới đã có 34 triệu bệnh nhân chung sống với AIDS và đã có 25 triệu bệnh nhân tử vong kể từ khi HIV/AIDS được nhận diện tại Mỹ vào năm 1981. Với tốc độ hiện nay, Giám đốc ONE, Michael Elliot khẳng định, phải đến năm 2022, tức là 7 năm sau kế hoạch, thế giới mới có thể đạt được mục tiêu xoay ngược sự lan truyền của AIDS.
Thuốc điều trị mới thách thức giới khoa học
Trong hơn ba thập kỷ kể từ khi phát hiện ra HIV đến nay, trên thị trường thế giới đã lưu hành 31 loại thuốc điều trị AIDS và các thuốc này đã giúp đưa việc nhiễm HIV/AIDS từ một “bản án tử hình” trở về thành một căn bệnh “kiểm soát được” ở các nước phát triển. Tuy nhiên, trong 31 loại thuốc kháng virus (ARV) đó chỉ có 6 loại được sản xuất và cấp phép sau năm 2004.
Việc điều chế và sản xuất các loại thuốc kháng virus mới ngày càng gặp nhiều thách thức, như quá trình thử nghiệm lâm sàng kéo dài hơn; ngày càng ít người sẵn sàng tham gia thử nghiệm lâm sàng… Tất cả những thách thức này kết hợp lại sẽ làm chậm quá trình phát triển ARV mới, đồng thời làm tăng mối lo ngại của các chuyên gia rằng, hàng triệu người nhiễm HIV có thể phải đối mặt với “thần chết” nếu virus này kháng thuốc và biến đổi bên trong các tế bào một cách “nổi trội” hơn những thuốc ARV hiện có.
Bên cạnh điều chế thuốc kháng virus, các nhà khoa học trên khắp thế giới cũng chưa bao giờ ngừng tìm kiếm những liệu pháp điều trị HIV/AIDS mới, trong đó đáng chú ý nhất là các liệu pháp gien, nhằm điều trị hoặc kiểm soát virus HIV ở một mức độ mà bệnh nhân không phải sử dụng các loại thuốc phức tạp và đắt tiền.
Các nhà khoa học đang hướng tới việc tách các tế bào miễn dịch từ chính bệnh nhân HIV/AIDS, chỉnh sửa những tế bào này và cấy chúng trở lại cơ thể của bệnh nhân, để khống chế virus mà người bệnh không cần điều trị thuốc. Liệu pháp gene nếu thành công sẽ rất có ý nghĩa trong điều trị HIV/AIDS bởi hiện nay hàng nghìn bệnh nhân đã hoàn toàn kháng với các loại thuốc kháng virus hiện có.
Thu Hằng