Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo vào năm 2050, việc sử dụng năng lượng để làm mát dự báo sẽ tăng gấp 3 lần, trong khi ở các nước nóng như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Indonesia việc sử dụng năng lượng làm mát sẽ tăng gấp 5 lần.
Theo bà Radhika Khosla, trường Oxford Martin thuộc Đại học Oxford, chuyên gia phụ trách một chương trình về chống nóng trong tương lai, vào cuối thế kỷ này, nhu cầu tiêu thụ năng lượng để chống nóng trên toàn cầu sẽ vượt so với nhu cầu sưởi ấm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng chi trả để chống chọi với cái nóng.
Theo truyền thống, nghèo năng lượng được định nghĩa là những người không có khả năng mua máy sưởi. Tuy nhiên, định nghĩa này có thể sắp thay đổi và nghèo năng lượng còn được định nghĩa là những người không có khả năng mua các thiết bị làm mát, hạn chế sự nóng bức. Bà Khosla đã đưa ra lời cảnh báo trên bên lề một hội nghị về làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo các nhà nghiên cứu về khí hậu, nhiệt độ tăng cao tác động nghiêm trọng tới sức khỏe con người, có thể gây tử vong và số bệnh nhân nhập viện tăng mạnh trong những đợt nắng nóng, cũng như ảnh hưởng tới hiệu suất lao động,
Một báo cáo do tổ chức "Năng lượng bền vững cho tất cả" thực hiện năm 2018 cho biết hơn 1,1 tỷ người trên toàn thế giới đối mặt với nguy cơ không được tiếp cận tới các thiết bị chống nóng. Giám đốc điều hành tổ chức trên, Rachel Kyte cho biết với Trái Đất đang ngày càng nóng lên, việc làm mát không còn là một sự xa xỉ nữa mà là "thiết yếu trong đời sống thường ngày".
Tuy nhiên, do việc dùng điều hòa tốn điện gấp 20 lần so với dùng quạt, nên dùng điều hòa trở nên phổ biến có thể làm tăng nhu cầu đối với điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch và là nguyên nhân khiến tình trạng biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn.
Bà Khosla cho rằng thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào máy điều hòa nhiệt độ để chống nóng, các tòa nhà nên được thiết kế sao cho có thể duy trì không khí mát mẻ vào những ngày nắng nóng.