Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố mới đây ước tính trên thế giới có khoảng 1,2 tỷ người sống thiếu điện, trong khi tỷ lệ của các nguồn năng lượng tái sinh trong tổng lượng tiêu thụ toàn cầu chỉ tăng rất ít trong suốt 20 năm qua.
Báo cáo trên nhấn mạnh từ năm 1990 đến 2010, tỷ lệ những người không được sử dụng điện trên thế giới đã giảm từ 24% xuống còn 17%, nhưng mức độ cải thiện này chưa đủ, nhất là tại một số nước như Ấn Độ.
Trong thời gian này, đã có thêm 1,7 tỷ người lần đầu tiên được dùng điện. Con số này thực chất cao hơn mức tăng dân số thế giới không nhiều. WB nhấn mạnh tốc độ cải thiện phải nhanh gấp đôi để đạt mục tiêu đến năm 2030 tất cả mọi người đều được dùng điện.
Bản báo cáo nêu rõ đóng góp của các nguồn năng lượng tái sinh như điện gió, điện mặt trời... vào lượng điện tiêu thụ chỉ tăng rất khiêm tốn trong hai thập kỷ qua, từ 16,6% lên 18%, thấp hơn nhiều mục tiêu tăng gấp đôi tỷ trọng của các dạng năng lượng này mà Liên hợp quốc đã đưa ra năm 2011.
Theo WB, 20 nước tiêu thụ tới 80% năng lượng toàn cầu - trong đó riêng Mỹ và Trung Quốc cộng lại ngốn tới 40% - cần phải thực hiện "các biện pháp quyết định" để nâng tỷ trọng năng lượng tái sinh lên 36% vào năm 2030.
TTG