Biểu tình phản đối chính sách nhập cư của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tại New York. Ảnh: AFP/TTXVN |
Họ lo lắng chính sách này có thể dẫn đến sự sụt giảm lượng khách du lịch tới khu vực vốn phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp không khói.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc hai ngày họp thượng đỉnh tại thủ đô Georgetown của Guyana, tân Chủ tịch Caricom, ông Keith Mitchell - Thủ tướng Grenada - cho biết các nước đã nhất trí "thái độ chờ và xem" trên cơ sở tôn trọng chính sách nhập cư của Mỹ và đánh giá ảnh hưởng của chính sách này đối với ngành du lịch quan trọng của khu vực.
Theo ông Mitchell, có hàng triệu công dân các nước Caribe sống tại Mỹ với nhiều chế độ thị thực khác nhau. Nhiều người trong số họ vẫn thường xuyên trở về nhà, trong khi những người khác gửi lượng kiều hối, hàng hóa về nước lên đến hàng triệu USD mỗi năm. Vì vậy, các chính sách nhập cư của chính quyền mới tại Mỹ có thể ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư này. Ông Mitchell bày tỏ hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ có những bước đi phù hợp, hạn chế các ảnh hưởng từ quyết định hành pháp của Tổng thống Trump.
Theo sắc lệnh hành pháp được Tổng thống Trump ký hôm 5/1, Mỹ đình chỉ việc cho phép người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày, cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ vô thời hạn, đồng thời cấm công dân từ 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số là Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria, và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày.
Tuy nhiên, sắc lệnh này tới nay chưa có hiệu lực thực thi do Thẩm phán liên bang James Robart tại thành phố Seattle ra phán quyết đình chỉ sắc lệnh. Tòa án Phúc thẩm Liên bang Khu vực số 9 đã ủng hộ phán quyết của thẩm phán James Robart, động thái bị Tổng thống Trump chỉ trích là "đi quá xa" và mang động cơ chính trị. Ông Trump tuyên bố sẽ ban hành một sắc lệnh hành pháp mới về nhập cư vào tuần tới, đồng thời cho rằng đây sẽ là một sắc lệnh hành pháp toàn diện để bảo vệ người dân Mỹ.