Tờ Daily Mail cho hay những rắc rối liên quan đến việc sử dụng nền tảng này được cho là tác động đến giấc ngủ, công việc, chăm sóc con hay các mối quan hệ tình cảm.
Nền tảng truyền thông xã hội thường gọi các rắc rối này là “cách sử dụng có vấn đề”, nhưng dễ hiểu hơn đó chính là “nghiện internet”. Bất kể thuật ngữ nào, các vấn đề cho là đang ảnh hưởng đến 12,5% người dùng Facebook, tương đương hơn 360 triệu người.
Nhóm nghiên cứu ước tính rằng gần 10% người dùng ở Mỹ có những hành vi trên, trong khi con số lên đến 25% ở Philippines và Ấn Độ - thị trường lớn nhất của công ty này.
Nghiên cứu về cách thức mạng xã hội có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của con người đã được tiến hành từ vài năm trước với mục tiêu giảm thiểu bất kỳ hành vi có hại nào. Các nhà nghiên cứu đã lưu ý về cách một số người dùng bị mất kiểm soát thời lượng khi dùng Facebook.
“Các hoạt động giống như mua sắm, quan hệ tình dục và sử dụng Facebook, khi lặp đi lặp lại và quá mức, có thể gây rắc rối cho một số người”, nhóm chuyên gia của Facebook nhấn mạnh.
Chẳng hạn, người dùng sẽ bị mất năng suất khi không thể hoàn thành các nhiệm vụ trong cuộc sống của họ vì lượng thời gian họ “chìm đắm” vào Facebook là quá lớn. Những người khác lại bị thiếu ngủ vì thường xuyên “lướt” Facebook xuyên đêm.
Ở một số tường hợp khác, các bậc phụ huynh lại tập trung vào mạng xã hội này hơn là chăm sóc và gắn kết với con cái.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng không chỉ riêng Facebook mà còn có nhiều ứng dụng truyền thông xã hội khác như Instagram và WhatsApp thuộc sở hữu của công ty mẹ Meta khiến người dùng bị “bó buộc” dù chủ động hay thụ động.
Twitter và Snapchat cũng bị nêu tên về vấn đề người dùng cảm thấy áp lực khi trả lời tin nhắn hay liên tục kiểm tra nội dung mới trên điện thoại thông minh của họ.
Một số đặc tính thiết kế cũng khiến các ứng dụng trở nên dễ gây nghiện, trong đó có cả sự xuất hiện của các chấm màu đỏ thông báo có nội dung mới để thu hút sự chú ý của người dùng.
Các video tự động phát cũng được coi là một yếu tố khiến người dùng khó “buông bỏ” ứng dụng này. Facebook có một số thiết lập cho phép người dùng tắt chế độ thông báo và tự động chạy video clip, song chúng rất khó tìm.
Một nhóm người dùng Facebook “thông thái” đã đề xuất hàng loạt chỉnh sửa để giúp hạn chế cách sử dụng gây rắc rối. Không ít đề xuất đã được triển khai, trong đó có giảm tần suất thông báo cho người dùng và tạo ra các công cụ khuyến khích người dùng nghỉ ngơi.
Các nhà nghiên cứu đã bổ sung một cảnh báo khác vào phân tích của họ khi cân nhắc liệu Facebook thực sự gây ra các vấn đề về giấc ngủ hay liệu những người vốn có vấn đề về giấc ngủ đã đơn thuần bật Facebook lên để thư giãn.
Năm 2017, Facebook từng tuyên bố rằng việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội một cách thụ động có thể khiến mọi người cảm thấy tồi tệ hơn, nhưng những người có xu hướng tích cực hơn lại cảm thấy tốt hơn.
Công ty này cho biết này: “Tích cực tương tác với mọi người - đặc biệt là chia sẻ tin nhắn, bài đăng và nhận xét với bạn bè thân thiết và gợi nhắc lại những chuyện trong quá khứ - có liên quan đến việc cải thiện sức khỏe”.
Do đó, Facebook đã điều chỉnh thuật toán của mình để ưu tiên nội dung thường được cho là dễ gây tức giận hoặc cảm động, vì những bài đăng như vậy giúp tăng mức độ tương tác của người dùng.