Kênh Al Jazeera đưa tin quân đội Israel đã yêu cầu người dân Palestine ở Gaza sơ tán đến một góc thị trấn al-Mawasi ở phía Nam dải đất bị bao vây này.
Chỉ thị trên được đưa ra vào thời điểm quân đội Israel tăng cường ném bom miền Nam Gaza, đặc biệt là xung quanh thành phố Khan Younis, nơi được cho là chỗ ẩn náu của các thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hamas.
Nhưng một câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay là liệu khu vực được chính quyền Israel tuyên bố là “an toàn” trên có thực sự chứa được hơn 1,8 triệu người dân phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi bạo lực bùng phát hôm 7/10 hay không.
Là một thị trấn ven biển nhỏ ở phía Nam Dải Gaza, al-Mawasi có chiều rộng khoảng 1km và chiều dài 14km. Xung quanh thị trấn này từng là các khu định cư cũ của Israel cho đến khi cựu Thủ tướng Ariel Sharon rút quân khỏi Gaza vào năm 2005.
Tuy nhiên, Israel cho biết chỉ có 6,5 km vuông trong một vùng đất hoang vắng của al-Mawasi là khu vực nhân đạo.
Mảnh đất có diện tích bằng một nửa sân bay Heathrow của London. Khoảng 61 triệu hành khách đã đi qua Heathrow trong năm 2022, tương đương khoảng 167.000 người mỗi ngày.
Nói cách khác, mật độ dân số tại khu vực “an toàn” của al-Mawasi sẽ cao gấp 20 lần sân bay Heathrow, ngay cả khi tất cả hành khách hằng ngày có mặt ở đó cùng một lúc.
Việc Israel tăng cường bắn phá miền Nam Gaza sau khi thỏa thuận ngừng bắn bị sụp đổ đã khiến người dân Palestine không thể tìm ra nơi trú ẩn trên mảnh đất dài chừng 40km này. Thành phố Khan Younis, nơi từng được coi là an toàn, giờ đây là một chiến trường nguy hiểm.
Trái ngược với tuyên bố của Israel, người dân Palestine cho biết không còn nơi nào an toàn ở Gaza.
Và các chuyên gia chỉ ra rằng những không gian mà Israel dành cho người dân sơ tán là quá nhỏ hẹp hoặc không đủ khả năng tiếp nhận số lượng lớn người di dời.
Chuyên gia pháp lý Bushra Khalidi nói với Al Jazeera: “Gaza đã quá đông dân. Và bây giờ, chúng ta đang nói về tình cảnh khoảng 1,8 triệu người bị dồn vào trong một sân bay”.
Bà Khalidi cho biết bệnh tả và các bệnh tiêu hoá khác đang lây lan nhanh chóng.
Chuyên gia này không phải là người đầu tiên chỉ trích quyết định chọn al-Mawasi làm khu vực an toàn của Israel. Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng lên án phương án mà Tel Aviv đưa ra sẽ dẫn đến thảm họa.
Ông nói: “Cố gắng nhồi nhét quá nhiều người vào một khu vực nhỏ với ít cơ sở hạ tầng hoặc dịch vụ như vậy sẽ làm tăng đáng kể rủi ro về sức khỏe đối với những người đang đứng bên bờ vực thảm hoạ”.
Theo ông, những khu vực nhân đạo cần đáp ứng các điều kiện cơ bản về đảm bảo an toàn cùng những nhu cầu thiết yếu khác, đồng thời có cơ chế giám sát việc thực hiện ở khu vực đó.
Một nhóm phóng viên của kênh Sky News (Anh) đã đến al-Mawasi để điều tra tình hình. Họ không thấy nơi đây được bố trí phù hợp, chẳng hạn như không có lều làm việc cho các cơ quan quốc tế hoặc bếp ăn. Đáng chú ý, khu vực này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu cơ sở chăm sóc y tế trầm trọng.