Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong một thông cáo báo chí chung, hai tổ chức cứu trợ trẻ em cho biết, trong tổng số 19 triệu trẻ em chịu ảnh hưởng, khoảng 6,5 triệu trẻ em không được đến trường do tình trạng bạo lực và mất an ninh gia tăng trong khu vực của các em, với ít nhất 10.400 trường học bị đóng cửa ở các vùng bị ảnh hưởng xung đột. Trong khi đó, hơn 5,5 triệu trẻ em sống ở những khu vực ít bị ảnh hưởng đang chờ chính quyền địa phương xác nhận liệu các lớp học có thể mở cửa trở lại hay không.
Sudan có 23 triệu trẻ em, chiếm gần một nửa tổng dân số cả nước. Ngay cả trước khi xung đột nổ ra vào ngày 15/4 vừa qua, gần 7 triệu trẻ em tại nước này đã phải nghỉ học. UNICEF và Save the Children cảnh báo nếu chiến tranh tiếp tục, sẽ không có trẻ em nào ở Sudan có thể quay lại trường học trong những tháng tới, khiến các em phải đối mặt với những mối nguy hiểm trước mắt và lâu dài, bao gồm việc phải di dời, bị tuyển dụng vào các nhóm vũ trang và trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục.
Chi tiêu cho các dịch vụ xã hội đã giảm mạnh, khiến giáo viên ở hầu hết các bang không có lương kể từ khi xung đột vũ trang bùng phát. Đồ dùng học tập còn thiếu và cơ sở vật chất chưa được bảo trì. Theo hai tổ chức, mặc dù một số khu vực đang nỗ lực nhằm đảm bảo hệ thống giáo dục ở Sudan vẫn hoạt động, nhưng vẫn có những hạn chế đáng kể và nhu cầu đang nhanh chóng vượt quá nguồn lực.
UNICEF và Save the Children kêu gọi chính quyền Sudan mở lại trường học ở những khu vực an toàn, đồng thời hỗ trợ các phương thức học tập thay thế ở những cộng đồng nơi trường học không thể mở cửa do lo ngại về an toàn và an ninh.
Hai tổ chức này cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết với trẻ em Sudan và cung cấp các nguồn lực cũng như hỗ trợ cần thiết để đảm bảo hàng triệu trẻ em Sudan có thể trở lại trường học và đảm bảo trẻ em bị ảnh hưởng xung đột có cơ hội tiếp cận học tập cũng như hỗ trợ tâm lý xã hội tại các không gian an toàn.