Các nhà khoa học Thụy Sĩ và Trung Quốc ngày 22/8 cảnh báo hiện có gần 20 triệu người trên khắp Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ bị nhiễm độc do sử dụng nước ngầm nhiễm thạch tín. Những khu vực có nguy cơ bị nhiễm độc thạch tín cao là Tân Cương, Nội Mông, Hà Nam, Sơn Đông và tỉnh Giang Tô.Vấn nạn ô nhiễm nguồn nước tại Trung Quốc. Ảnh: Internet |
Các nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học - Công nghệ Thủy sản Liên bang Thụy Sĩ EAWAG và Đại học Y khoa Trung Quốc ở Thẩm Dương ước tính nồng độ thạch tín tự nhiên đo tại hơn 580.000 km2 lãnh thổ, chủ yếu ở những vùng kể trên cùng một số tỉnh ở miền Bắc Trung Quốc và trung tâm tỉnh Tứ Xuyên, đều cao hơn ngưỡng cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ngay từ những năm 1960, nguồn nước ngầm tại một số tỉnh của Trung Quốc đã bị phát hiện ô nhiễm. Năm 1994, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố nhiễm độc thạch tín là một bệnh dịch và tiến hành một chương trình kiểm tra rộng lớn để lấy mẫu nước giếng. Từ năm 2001 đến năm 2005, khoảng 20.000 mẫu nước giếng, tức là 5% của 445.000 giếng được kiểm tra, cho thấy nồng độ thạch tín cao hơn 50 microgram/lít, nhiều hơn gấp 5 lần ngưỡng cho phép của WHO. Năm 2004, Trung Quốc ước tính khoảng 14 triệu người có nguy cơ bị ngộ độc thạch tín.
Annette Johnson, nhà địa hóa học tại EAWAG, cho biết ngộ độc thạch tín do sử dụng nước uống bị ô nhiễm là một vấn đề lớn về sức khỏe. Tiếp xúc từ 5-10 năm với chất gây ô nhiễm vô cơ phổ biến nhất được tìm thấy trong nước uống trên toàn thế giới này sẽ làm tăng sắc tố của da, tiến tới rối loạn chức năng gan thận, tăng khả năng mắc các loại ung thư khác nhau. Tuy nhiên, các tác động có hại cũng còn phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe nói chung của người nhiễm.
TTXVN/Tin tức