Nhóm phụ nữ này cho rằng chính phủ Thụy Sỹ không hành động trước cuộc khủng hoảng khí hậu và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Chánh án Siofra O'Leary cho biết, chính phủ Thụy Sỹ đã vi phạm quyền con người về cuộc sống riêng tư và gia đình khi không đưa ra đầy đủ các chính sách để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong nước.
Bà O'Leary lưu ý rằng chính phủ Thụy Sĩ đã không đáp ứng được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trước đây, do không đưa ra các biện pháp để đảm bảo đạt được các mục tiêu.
Quyết định của ECHR có thể buộc chính phủ Thụy Sĩ phải sửa đổi các chính sách về khí hậu, bao gồm nâng các mục tiêu giảm phát thải trong thời gian ngắn để phù hợp với thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Các nhà vận động ca ngợi quyết định trên là đột phá, có thể đóng vai trò là nền tảng cho các vụ kiện tụng về khí hậu khác được tranh luận trên cơ sở nhân quyền. Tác động của quyết định này dự kiến vượt xa biên giới châu Âu.
Bà Vesselina Newman tại công ty luật môi trường ClientEarth cho biết: "Đây không chỉ là một chiến thắng cho nhóm phụ nữ này mà còn là một chiến thắng to lớn cho những người ở khắp mọi nơi đang tìm cách sử dụng sức mạnh của luật pháp để yêu cầu chính phủ phải chịu trách nhiệm khi không có các hành động trước các vấn đề về khí hậu. Kết quả này gửi đi một thông điệp rõ ràng: Các chính phủ phải có hành động thực sự về khí thải để bảo vệ nhân quyền cho công dân".
Theo Joie Chowdhury, luật sư cấp cao tại Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế: "Cuộc khủng hoảng khí hậu là một cuộc khủng hoảng nhân quyền. Các quốc gia có nghĩa vụ về nhân quyền phải hành động khẩn cấp, hiệu quả và phù hợp với khoa học để ngăn chặn tình trạng tàn phá và gây tổn hại thêm cho con người và môi trường".
Johan Rockström, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam PIK, cho rằng phán quyết của ECHR đã tái khẳng định lý do tại sao các chính phủ cần thực hiện hành động khẩn cấp để giảm phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, cùng ngày 9/3, ECHR đã ra phán quyết bác bỏ hai vụ tương tự về khí hậu. Đó là một vụ do 6 thanh niên Bồ Đào Nha kiện hơn 30 chính phủ châu Âu và một vụ khác do cựu thị trưởng một thị trấn ở Pháp đệ trình.