Trang mạng báo "Ukrainckaya Pravda" cho biết 3 cựu tổng thống (TT) Ukraine, gồm Leonid Kravchuk, Leonid Kuchma và Viktor Yushchenko, đã kêu gọi chính phủ nước này hủy bỏ thỏa thuận Kharkov về việc cho thuê căn cứ của Hạm đội Biển Đen Nga ở Crimea (Crưm), do các ông Dmitry Medvedev và Viktor Yanukovych ký năm 2010.
Trong một tuyên bố chung, 3 cựu tổng thống cũng lưu ý rằng "lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, dân tộc Ukraine đối mặt với cuộc khủng hoảng đe dọa tới sự thống nhất, chủ quyền và chủ quyền nhà nước, điều có thể dẫn tới thảm họa quốc gia, đe dọa hủy hoại Ukraine". Các cựu tổng thống cho rằng "nhân dân Ukraine và Nga đã bị đẩy một cách giả tạo tới cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Ukraine, nước rất khó vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị, nay đang ở bên bờ vực của tình trạng gia tăng xung đột với tất cả các dấu hiệu của một cuộc xung đột quân sự".
Lực lượng an ninh ngày 28/2 tuần tra bên ngoài sân bay tại Simferopol, thủ phủ nước Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine. Ảnh: AFP-TTXVN |
Ba cựu lãnh đạo này nhận định Nga "lợi dụng những khó khăn chính trị nội bộ ở Ukraine để quyết định chơi cái gọi là 'quân bài Crimea' vì lợi ích của riêng mình, phớt lờ những cam kết với Ukraine". Các cựu tổng thống khẳng định "Crimea là lãnh thổ Ukraine, đây là chân lý đối với bất cứ công dân, chính trị gia Ukraine nào. Chính vì điều này, việc xâm phạm lãnh thổ Ukraine là bất hợp pháp".
Các cựu tổng thống kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin "không thành kiến chính trị, thực sự công nhận quyền tự quyết, không xâm phạm biên giới và thể hiện sự tôn trọng đối với chủ quyền Ukraine". 3 nhà cựu lãnh đạo cũng kêu gọi Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga "bãi bỏ quyết định can thiệp quân sự, điều có thể khiến cho người Ukraine và người Nga trở thành kẻ thù của nhau".
Phán ứng trước việc Nga điều binh sĩ tới khu vực Crimea của Ukraine, các quan chức cấp cao của Mỹ đã liên tiếp cảnh báo rằng Nga có nguy cơ đối mặt với hậu quả nghiêm trọng. Các cuộc hội đàm kinh tế, bao gồm chuyến thăm của một phái đoàn Nga để thảo luận vấn đề năng lượng, đã bị hủy, và một sự kiện quân sự quan trọng sắp tới cũng dự kiến bị hoãn.
Một quan chức Mỹ cấp cao nói rằng "chúng tôi đang cùng các đối tác và đồng minh xem xét một loạt lựa chọn để giảm đầu tư thương mại và kinh tế (với Nga)", đồng thời cho biết Mỹ nhiều khả năng "hủy bỏ hoạt động bình thường đang diễn ra với Nga".
Trong một diễn biến khác ngày 2/3, Ngoại trưởng CH Séc Lubomir Zaoralek đã triệu đại sứ Nga tới để phản đối quyết định của Moskva điều binh sĩ tới khu vực Crimea của Ukraine, nói rằng các biện pháp của Nga là "quá trớn và gây hấn".
Ngoại trưởng Zaoralek nói với Đại sứ Sergei Kiselev: "Việc sử dụng các đơn vị quân đội chống lại một nước láng giềng có chủ quyền... là một bước đi hoàn toàn không thể biện minh". Ông Zaoralek kêu gọi Nga tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, rút binh sĩ khỏi Crimea và không có các hành động gây hấn có thể dẫn tới đổ máu.
Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố chính phủ nước này sẽ tẩy chay Thế vận hội dành cho người khuyến tật Paralympic tại Sochi do hành động quân sự của nước chủ nhà Nga ở Ukraine.
T.N (
Theo Ukrainckaya Pravda/AFP)