Các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra từ 5-6/12 tới tại Geneva (Thụy Sĩ).
LHQ đã nhiều lần thất bại trong việc làm trung gian hòa giải để mang lại hoà bình cho Tây Sahara, nơi Maroc và Mặt trận Polisario, dưới sự hậu thuẫn của Algeria đã tranh giành quyền kiểm soát từ 1975 đến 1991. Để khởi động lại tiến trình trên, Đặc phái viên của LHQ Horst Koehler đã gửi thư mời đến 4 bên liên quan tham gia đàm phán nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán chính thức. Đến nay, Maroc, Mặt trận Polisario, Algeria và Mauritania xác nhận sẽ tham gia các cuộc đàm phán tại Geneva. Tuy nhiên, dư luận đánh giá rằng những cuộc đàm phán trên sẽ gặp nhiều khó khăn vì quan điểm khác nhau của các bên. Maroc duy trì lập trường rằng các cuộc đàm phán nên tập trung vào vấn đề quyền tự quyết của Tây Sahara, trong khi Mặt trận Polisario lại khẳng định rằng cuộc xung đột tại vùng lãnh thổ này chỉ có thể giải quyết được thông qua cuộc trưng cầu ý dân về độc lập. Trong khi đó, Algeria cũng khẳng định giải pháp cho cuộc xung đột tại Tây Sahara phải dựa trên quyền tự quyết của người dân.
Vòng đàm phán chính thức do LHQ bảo trợ gần đây nhất diễn ra hồi năm 2012. LHQ đã đề xuất một thoả thuận ngừng bắn giữa Maroc và Mặt trận Polisario vào năm 1990 để tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, cho đến nay, cuộc trưng cầu này vẫn chưa thể diễn ra. Hội đồng Bảo an LHQ hiện đã gây áp lực để hai bên liên quan chính (là Maroc và Polisario) trở lại bàn đàm phán. Theo LHQ, một thoả thuận hoà bình tại Tây Sahara sẽ cho phép Phái bộ gìn giữ hoà bình của LHQ (MINURSO) gồm khoảng 700 binh lính hiện đang giám sát việc thực hiện lệnh ngừng bắn ở Tây Sahara, sớm chấm dứt nhiệm vụ của mình, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách giảm chi phí cho các hoạt động gìn giữ hoà bình.