Quốc gia ở vùng cực Đông của EU này đã triệu tập phiên họp khẩn cấp với sự tham gia của các bộ trưởng nhằm giải quyết vấn đề trên sau khi chỉ trong vòng 4 ngày đã có hơn 140 người di cư đã đến hòn đảo này.
Bộ trưởng Nội vụ Cyprus Constantinos Petrides cho biết các quan chức nước này sẽ trao đổi với những người đồng cấp châu Âu, đặc biệt là các nước bên bờ Địa Trung Hải, cũng đang đối mặt với vấn đề trên để có thể phối hợp hành động tốt hơn ở cấp độ khu vực. Ông nhấn mạnh chính sách nhập cư của EU không nên đặt gánh nặng lên những quốc gia ở tuyến đầu hoặc những thành viên nhỏ như Cyprus vốn không đủ cơ sở hạ tầng để tiếp nhận dòng người di cư.
Cyprus khẳng định so với các quốc gia khác, nước này đang đối mặt với một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất liên quan đến dòng người di cư. Nicosia sẽ không thể ứng phó nếu lượng người tiếp tục tăng. Theo Bộ trưởng Petrides, làn sóng người di cư là một vấn đề của cả châu Âu mà không nước nào có thể tự mình xử lý. Do đó, các bên không chỉ cần đoàn kết về nguồn lực tài chính mà còn cả cơ chế hồi hương tự động. Ông nêu rõ Nicosia đang tìm kiếm một thỏa thuận hồi hương với Beirut do dòng người di cư gần đây chủ yếu đến từ Liban.
Ngoài ra, tại cuộc họp, các bộ trưởng cũng nhất trí đẩy mạnh tuần tra biển, thúc đẩy các thỏa thuận hồi hương để đảm bảo những người không đáp ứng tiêu chuẩn xin tị nạn sẽ bị gửi trả về nước. Mặt khác, điều này cũng giúp những người xin tị nạn tìm được việc làm. Đa số những người tị nạn tại Cyprus hiện nay là công dân Syria với 860 người. Số còn lại là chủ yếu đến từ Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Ai Cập và Iraq.
Theo số liệu mới nhất của EU, Cyprus là quốc gia đầu tiên công bố tỷ lệ người di cư theo dân số, trong đó cứ 1 triệu dân thì có 5.000 người di cư đến nước này. Chỉ riêng trong 8 tháng đầu năm nay, Cyprus đã nhận được 4.022 yêu cầu xin tị nạn, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này trong năm 2017 cũng cao hơn 56% so với năm trước đó.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini cho biết hơn 50 trong tổng số 144 người di cư đã được phép vào nước này sau khi bị mắc kẹt nhiều ngày trên một tàu tuần tra đã biến mất khỏi trung tâm tiếp nhận. Bộ trưởng Salvini nhấn mạnh điều này một lần nữa chứng minh những người di cư đến Italy không phải thực sự vì trốn tránh chiến tranh và nghèo đói.
Những người di cư này đã được tàu tuần tra Diciotti đón vào tối ngày 15/8 và đã phải lênh đênh ngoài khơi trong suốt 10 ngày do ông Salvini từ chối cho tàu cập cảng. Đa số những người di cư trên tàu Diciotti là công dân Eritrea, với số nhỏ đến từ Somlia, Syria, Sudan và Comoros. Ông Salvini đã phải nhượng bộ sau khi Ireland, Albania và nhà thờ Công giáo Italy đồng ý tiếp nhận phần lớn người di cư trong số này. Sau sự việc, ông kêu gọi chấm dứt vấn nạn di cư không kiểm soát và phong tỏa đường biển ngay lập tức.