Phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric tại cuộc họp báo ở New York ngày 1/6/2017. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại New York, phát biểu tại cuộc họp báo thường nhật ở trụ sở của LHQ, ông Dujarric cho biết 46 cảnh sát nêu trên đã bị cấm trại tại Juba từ hôm 24/2, sau khi cuộc điều tra sơ bộ cho thấy họ đã có hành vi xâm hại những người phụ nữ sống tại một căn cứ của LHQ được thiết lập để làm chỗ trú ẩn cho dân thường ở Wau. Ông nhấn mạnh rằng phái bộ của LHQ tại Nam Sudan "không dung thứ, không bao che" những hành vi xâm hại và lạm dụng tình dục. Người phát ngôn cho biết thêm Ghana đang hợp tác với LHQ để tiến hành cuộc điều tra đầy đủ về những lời khiếu nại mà tổ chức này nhận được hôm 8/2.
Theo quy định của LHQ, các quốc gia cử quân tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ có trách nhiệm đưa ra hình phạt đối với những binh sĩ có hành vi sai trái trong thời gian phục vụ trong phái bộ của LHQ, song LHQ sẽ phối hợp cùng điều tra với các nhà chức trách liên quan.
Nam Sudan là quốc gia non trẻ nhất trên thế giới sau khi tách ra khỏi Sudan năm 2011. Tuy nhiên, quốc gia này đã nhanh chóng rơi vào tình trạng bạo lực và bất ổn tháng 12/2013 sau khi xảy ra tranh chấp chính trị giữa Tổng thống Salva Kiir và cựu phó Tổng thống Riek Machar, dẫn đến cuộc chiến giữa các tay súng thuộc nhóm sắc tộc Dinka trung thành với ông Kiir và nhóm sắc tộc Nuer ủng hộ ông Machar. Xung đột đã khiến hàng chục nghìn người dân thiệt mạng và gần 4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Hiện phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan (UNMISS) gồm 7.000 binh sĩ và 900 cảnh sát. Khoảng 200.000 người Nam Sudan đang sinh sống trong các căn cứ của LHQ dưới sự bảo vệ của lực lượng UNMISS.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với những hành vi sai trái của các thành viên trong lực lượng gìn giữ hòa bình có nhiệm vụ bảo vệ dân thường ở những vùng xung đột.