Mặc áo khoác đen, Chủ tịch Kim Jong-un bước từ tàu hoả xuống thảm đỏ tại nhà ga Vladivostok một ngày trước hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với nhà lãnh đạo Nga kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011. Chuyến đi diễn ra gần 1 năm sau lời mời của Điện Kremlin cho thấy Chủ tịch Triều Tiên đang mong muốn tìm các nguồn hỗ trợ thay thế khi bế tắc tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội đang khiến Triều Tiên không có con đường rõ ràng nào để thoát khỏi lệnh cấm vận quốc tế do Mỹ dẫn đầu.
Trong bối cảnh Nga không có nhiều tiềm lực tài chính để hỗ trợ và cũng không có khả năng thực hiện bất kỳ động thái nào có thể vi phạm lệnh trừng phạt hoặc tạo ra tranh chấp với Mỹ, Chủ tịch Kim Jong-un có thể phải tìm kiếm các cam kết hỗ trợ về ngoại giao và kinh tế từ Nga. Tuy nhiên, theo ông Yuri Ushakov, Trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, hai nhà lãnh đạo không có kế hoạch đưa ra bất kỳ tuyên bố chung hoặc ký thỏa thuận nào.
Trả lời phỏng vấn trước cuộc gặp, Chủ tịch Triều Tiên cho biết Hội nghị Vladivostok sẽ là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán hiệu quả về hợp tác giữa hai quốc gia.
Video lễ đón nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Vladivostok, Nga (Nguồn: AFP)
Dưới đây là 5 mong muốn cốt lõi của nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi đến Nga, theo nhận định của Bloomberg.
1. Huyết mạch ngoại giao
Nhiều thứ đã thay đổi kể từ khi lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin hỗ trợ cựu lãnh tụ Kim Nhật Thành sáng lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sau Thế chiến II: Liên bang Xô Viết đã sụp đổ và Trung Quốc nổi lên với tư cách là người bảo trợ chính của Triều Tiên.
Tuy thế, Tổng thống Putin vẫn duy trì được một số ảnh hưởng của Nga trên Bán đảo Triều Tiên, tiếp nhận các công nhân Triều Tiên tới Nga làm việc và tham gia các vòng đàm phán hạt nhân sáu bên, mặc dù cho đến nay ông vẫn chưa từng gặp Chủ tịch Kim Jong-un.
Cả hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên đều đặt ra những mục tiêu mong muốn đạt được thông qua cuộc gặp tại Vladivostok. Chủ tịch Triều Tiên muốn bảo vệ hồ sơ ngoại giao mà ông đã xây dựng qua một loạt chuyến công du nước ngoài chưa từng có vào năm ngoái và chứng minh với Tổng thống Trump rằng ông có bạn bè ngoài Trung Quốc.
Đối với Điện Kremlin, cuộc gặp là cơ hội cho thấy Nga vẫn là người chơi trong một vấn đề toàn cầu, vốn lâu nay chủ yếu do Trung Quốc và Mỹ chi phối. “Với ông Putin, điều quan trọng là phải ở trong cuộc chơi”, ông Georgy Toloraya, Giám đốc Trung tâm Chiến lược châu Á tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga nói. “Chính nhờ gắn với vấn đề Triều Tiên mà đã có một số chuyển động tích cực trong mối quan hệ Nga – Mỹ”.
2. Nới lỏng lệnh trừng phạt
Nga về cơ bản đã theo sau Bắc Kinh tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) vào chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhưng Moskva cũng là bên đứng ra kêu gọi quốc tế nới lỏng trừng phạt sau khi Bình Nhưỡng dừng thử nghiệm vũ khí.
Tổng thống Putin đã sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ để ngăn chặn một số lệnh trừng phạt với lý do chúng vi phạm các cam kết bảo vệ để không gây ra những hậu quả nhân đạo cho phía bên kia.
Tuy nhiên, Nga vẫn cam kết tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và không có dấu hiệu nào cho thấy ông Putin sẽ mạo hiểm vi phạm.
Chính vì vậy, Hội nghị thượng đỉnh tại Vladivostok sẽ là cơ hội để nhà lãnh đạo Triều Tiên tranh thủ hơn nữa sự ủng hộ của Nga trong việc kêu gọi quốc tế nới lỏng các lệnh trừng phạt chống Bình Nhưỡng.
3. Lao động Triều Tiên
Một trong những bất bình lớn của Triều Tiên đối với các lệnh trừng phạt là việc Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu các quốc gia phải trục xuất người lao động Triều Tiên vào cuối năm nay.
Bình Nhưỡng đã gửi hàng chục ngàn công dân đến Nga và Trung Quốc để tham gia các công việc lao động chân tay, qua đó mang về hơn 500 triệu USD mỗi năm bằng ngoại tệ - tương đương khoảng 1,5% nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, số lượng công nhân Triều Tiên ở Nga đã giảm đáng kể sau nghị quyết năm 2017 của LHQ.
Theo phát biểu của nghị sĩ Nga Fedot Tumusov với hãng tin Interfax sau khi trở về từ Bình Nhưỡng, Triều Tiên muốn Nga cho phép công nhân của mình ở lại. Các khu vực dân cư thưa thớt ở vùng Viễn Đông Nga đã phát triển phụ thuộc một phần vào các công nhân Triều Tiên trong các ngành công nghiệp như gỗ và xây dựng. Nhưng các lệnh trừng phạt yêu cầu người cuối cùng trong số họ phải rời đi vào cuối năm nay, và không có nhiều dư địa cho sự nhượng bộ.
4. Liên kết giao thông
Hàng thập kỷ bị trừng phạt, đình trệ kinh tế và chi tiêu quân sự quá mức đã khiến cơ sở hạ tầng của Triều Tiên rơi vào tình trạng xuống cấp, lạc hậu. Và Nga, quốc gia có chung đường biên giới dài 17 km, đang muốn Triều Tiên nâng cấp hệ thống đường xá để có thể tiếp cận thị trường Bắc và Nam bán đảo Triều Tiên.
Kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Kim Jong-un đã tìm cách cải thiện hệ thống đường sắt để có thể vận chuyển hàng hóa từ Hàn Quốc đến Trung Quốc, châu Âu và “mở rộng” cửa tiếp cận nguồn tài nguyên khoáng sản ước tính trị giá 6 nghìn tỷ USD của nước này (theo ước tính năm 2013 của Viện Tài nguyên Triều Tiên tại Seoul).
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi tháng 12/2018 cũng cho biết, Moskva muốn hợp tác với hai miền Triều Tiên để nâng cấp các tuyến đường sắt trên bán đảo và sẽ yêu cầu miễn trừ trừng phạt.
Dự kiến, Chủ tịch Kim Jong-ung kết thúc chuyến thăm Nga cùng với cam kết mở rộng các cửa khẩu biên giới, gia cố một cây cầu được xây dựng gần 60 năm trước để cho phép các phương tiện giao thông tăng cường qua lại. Trung Quốc và Triều Tiên cũng đã mở một cửa khẩu biên giới mới qua sông Yalu trong tháng 4 này.
5. Đổi hàng để ‘lách’ lệnh trừng phạt
Trước tình trạng kim ngạch thương mại giữa hai nước đã giảm hơn 56% vào năm ngoái, Nga và Triều Tiên đang nghiên cứu một cơ chế để kích thích thương mại mà không vi phạm lệnh trừng phạt. Theo tờ Kommersant của Nga, hai bên sẽ vận chuyển hàng hóa cho nhau mà không rơi vào lệnh trừng phạt cũng như tránh rủi ro bị phạt tài chính bằng cách không sử dụng tiền mà chỉ trao đổi hàng hoá. Tuy nhiên, ông Ushakov, Trợ lý chính sách đối ngoại Điện Kremlin, đã từ chối bình luận về khả năng này.
“Nga có thể đồng ý bán cho Triều Tiên nhiều hàng hóa khác nhau mà các công ty phương Tây sợ bán”, ông Andrei Lankov, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul cho biết. Theo ông, "Triều Tiên được xem là một đối tác rủi ro đến nỗi các công ty nước ngoài sợ làm ăn ngay cả khi được phép”.