Trong số các nhà lãnh đạo tham dự có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng hàng chục vị lãnh đạo các nước châu Âu, châu Phi, Trung Đông,... Dưới trời mưa nhẹ, buổi lễ bắt đầu từ 11h00 (giờ địa phương, tức 17h00 theo giờ Việt Nam) tại Khải Hoàn Môn ở Paris.
Đây là sự kiện tâm điểm của thế giới nhằm tưởng niệm hơn 10 triệu binh lính thiệt mạng trong cuộc chiến tranh thế giới 1914-1918 cũng như kỷ niệm thời khắc Hiệp định đình chiến được ký kết ở Đông Bắc nước Pháp, và có hiệu lực từ 11h00 (giờ địa phương) ngày 11/11/1918. Khoảng 10.000 cảnh sát đã được huy động để đảm bảo an ninh cho sự kiện này.
Trước đó, lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất cũng đã diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới trong đó có New Zealand, Australia, Ấn Độ, Hong Kong (Trung Quốc) và Myanmar. Lãnh đạo các nước đã gửi đi thông điệp của hòa bình và niềm hy vọng đối với thế giới trong thế kỷ mới.
Phát biểu tại buổi lễ quốc gia ở thủ đô Canberra, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tôn vinh sự hy sinh của những người lính nhằm mang lại cuộc sống của người dân hôm nay và trong tương lai. Trước đó, trong một tuyên bố đưa ra ngày 10/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định sự kiện này không chỉ là để kỷ niệm mà còn phải là lời kêu gọi hành động. Dự kiến, bà Merkel sẽ có bài phát biểu khai mạc cùng với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại Diễn đàn hòa bình Paris, diễn ra sau lễ kỷ niệm trên.
Trước đó, Thủ tướng Merkel đã đến thăm ngôi rừng ở Đông Bắc nước Pháp - nơi hiệp định đình chiến được ký kết, khép lại một trong những cuộc chiến quy mô nhất và tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại, cướp đi sinh mạng của hơn 18,6 triệu người và khiến khoảng 60 triệu người bị thương.
Chiến tranh Thế giới thứ nhất, bắt nguồn từ mâu thuẫn lợi ích giữa các đế quốc lớn ở châu Âu, mở đầu ngày 28/7/1914, khi đế quốc Áo-Hung tuyên chiến với Serbia. Dù trên lý thuyết đây là cuộc cạnh tranh giữa hai khối quân sự kình địch gồm khối liên minh trung tâm Đức- Áo-Hung và khối Hiệp ước Anh-Pháp-Nga, với các đế quốc lớn như Anh, Đức, Pháp, Đức, Nga, đế chế Áo-Hung và Ottoman (tiền thân của nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), song trên thực tế, gần 70 nước đã bị lôi kéo vào cuộc chiến dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có Italy năm 1915 và Mỹ năm 1917.
Tổng cộng có tới trên 800 triệu người, tức hơn một nửa dân số thời kỳ đó ở các nước được coi là tham chiến. Từ 20 triệu người được các bên tham chiến huy động lúc chiến tranh bùng nổ, khi xung đột leo thang và lan rộng, con số đã tăng nhiều lần, lên tới 70 triệu người. Đông nhất là Đức, 13 triệu người, tiếp đó là Áo-Hung 9 triệu, bằng với số quân của Anh (bao gồm cả quân từ các thuộc địa, phần lớn là Ấn Độ).
Đây cũng là lần đầu tiên vũ khí hóa học được sử dụng quy mô lớn khi lực lượng Đức dùng khí chlorine tấn công tại Bỉ năm 1915. Ước tính, cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của hơn 18,6 triệu người và khiến khoảng 60 triệu người bị thương. Số tiền mà các nước tham chiến chi phí cho cuộc chiến lên tới con số 85 tỷ USD. Về quy mô và sự khốc liệt, cuộc chiến này chỉ đứng sau Chiến tranh Thế giới thứ II.