Công tác tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777-200 số hiệu MH370 bị mất tích của hãng hàng không quốc gia Malaysia Malaysia Airlines đã bước sang ngày thứ tư, với sự tham gia của 40 tàu và 30 máy bay từ hơn 10 nước trên thế giới, gồm Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Nhật báo "Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc" ngày 11/3 cho biết Trung Quốc đã triển khai 10 vệ tinh để phục vụ công tác tìm kiếm máy bay mất tích của Hãng hàng không Malaysia Airlines. Theo báo trên, các vệ tinh này sẽ sử dụng công nghệ ghi lại hình ảnh Trái Đất với độ phân giải cao, công nghệ ánh sáng rõ nét và các công nghệ khác để "hỗ trợ các chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines".
Các vệ tinh này của Trung Quốc cũng sẽ trợ giúp công tác giám sát thời tiết, liên lạc và tìm kiếm tại khu vực chiếc máy bay biến mất. Ngoài ra, nhà chức trách Trung Quốc cũng nâng cấp năng lực quan sát vệ tinh của hệ thống định vị Bắc Đẩu nhằm "cung cấp tín hiệu định vị đáng tin cậy phục vụ chiến dịch cứu hộ cũng như hỗ trợ liên lạc".
Hiện Mỹ và Trung Quốc mỗi nước đều đã điều hai tàu chiến tới vị trí chiếc máy bay lần cuối phát tín hiệu trên Biển Đông. Hai tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ là USS Kidd và USS Pinckney, chở theo máy bay trực thăng MH-60R Seahawk được trang bị camera hồng ngoại phục vụ các hoạt động tìm kiếm ban đêm. Trong khi đó, hai tàu của Trung Quốc là Jinggangsan và Mianyang đã thực hiện sứ mệnh của mình từ ngày 10/3. Hải quân Trung Quốc cũng dự kiến sẽ cử thêm hai tàu chiến nữa tới tham gia công tác tìm kiếm.
Trước đó, ngày 10/3, hãng Boeing cho biết sẽ đóng vai trò cố vấn kỹ thuật cho nhóm chuyên gia thuộc Ban an toàn vận tải quốc gia Mỹ đang có mặt ở Đông Nam Á để hỗ trợ công tác tìm kiếm máy bay mất tích.
Các phương tiện tàu thủy hoạt động trên biển cũng được huy động tham gia tìm kiếm, cứu nạn chiếc máy bay bị mất tích. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN |
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Tổ chức cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) Lassina Zerbo cho biết đã đề nghị các chuyên gia của cơ quan này kiểm tra xem có xảy ra vụ nổ nào ở cao độ của chiếc máy bay mất tích hay không. CTBTO sử dụng các cảm biến sóng hạ âm để chủ yếu theo dõi các vụ nổ hạt nhân trong bầu khí quyển của Trái Đất.
Trong một diễn biến khác, các nguồn tin từ ngành du lịch và cảnh sát Thái Lan ngày 11/3 cho biết hai đối tượng sử dụng hộ chiếu đánh cắp (của một người Italy và một người Áo) để lên chuyến bay MH370 đã mua các vé giá rẻ nhất theo gợi ý của một công ty lữ hành Thái Lan. Trong khi giới chức Malaysia không loại bỏ nghi vấn về một hành động khủng bố, phát hiện này gợi ra một khả năng lớn rằng hai đối tượng trên đã không chủ động chọn chuyến bay MH370.
Theo các nguồn tin trên, một người đàn ông Iran ở Malaysia đã đặt mua vé cho hai đối tượng trên tại một công ty lữ hành ở Pattaya (Thái Lan), đồng thời yêu cầu công ty này tìm các chặng bay rẻ nhất xuất phát từ thủ đô Kuala Lumpur tới Frankfurt (Đức) và Copenhagen (Đan Mạch). Sau đó, công ty này đã giới thiệu các chặng bay quá cảnh Bắc Kinh và đã bán với giá 25.500 baht/vé vào ngày 6/3. Một người đàn ông Iran khác sống ở Pattaya đã thanh toán và lấy số vé này.
Hãng hàng không Malaysia Airlines thông báo máy bay Boeing 777-200 đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu sáng 8/3, sau khi rời thủ đô Kuala Lumpur để tới Bắc Kinh (Trung Quốc). Trên máy bay có 12 thành viên phi hành đoàn cùng 227 hành khách đến từ 13 quốc gia - trong đó theo Tân Hoa xã có 154 người là công dân Trung Quốc.
Theo Ban giám đốc Malaysia Airlines, máy bay Boeing 777-200 đã được kiểm tra định kỳ hai tuần trước khi gặp nạn. Các chuyên viên kỹ thuật đã không phát hiện dấu hiệu bất ổn nào.
TTXVN/Tin tức