82% dân số Campuchia đã tiêm ít nhất một liều vaccine

Ngày 27/9, Quốc vụ khanh kiêm người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia, bà Or Vandine, công bố báo cáo cho biết 13,12 triệu người Campuchia, tương đương 82% tổng số 16 triệu dân nước này, đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. 

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 17/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo báo cáo, trong 13,12 triệu người nói trên, 10,88 triệu người, tương đương % dân số, đã tiêm đủ 2 liều vaccine; 869.0 người, chiếm tỷ lệ 5,4% dân số, đã được tiêm liều tăng cường. 

Bà Or Vandine nêu rõ tính từ ngày 26/9 đến nay, các nhóm đối tượng đã được tiêm ít nhất một liều vaccine bao gồm nhóm người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên đạt tỷ lệ 98,8% mục tiêu đề ra là 10 triệu người; thanh thiếu niên từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt tỷ lệ 89% mục tiêu 2 triệu người; và trẻ em từ 6-12 tuổi đạt tỷ lệ 78,6% mục tiêu 1,9 triệu em.

Campuchia đã triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 kể từ tháng 2 năm nay. Ngày 25/9 vừa qua, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết nước này đang duy trì tiến độ tiêm chủng ổn định, đồng thời bày tỏ hy vọng quốc gia Đông Nam Á này có thể đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới, hướng đến mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế và xã hội một cách toàn diện và bền vững. 

Cũng trong ngày 27/9, trong bối cảnh đa số người dân Campuchia đã được tiêm chủng ngừa COVID-19, Bộ Giáo dục nước này đã "bật đèn xanh" cho các trường đại học công lập và tư thục mở cửa trở lại.

Bộ trưởng Giáo dục Hang Chuon Naron ra thông báo nêu rõ các giảng viên và sinh viên đã tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ được trở lại các lớp học trực tiếp, trong khi những người trên 50 tuổi hoặc có các bệnh lý nền được khuyến cáo tiếp tục giảng dạy và học tập trực tuyến. 

Bộ trưởng Chuon Naron cũng nhấn mạnh số lượng giảng viên và sinh viên trong một phòng học không được vượt quá 20%. Các sinh viên phải ngồi cách nhau tối thiểu 1,5m nhằm đảm bảo quy định giãn cách xã hội. Ngoài ra, trước khi mở cửa trở lại, các trường đại học phải ký một bản ghi nhớ với Bộ Giáo dục về việc thực hiện các Thủ tục hoạt động tiêu chuẩn (SOP) và các quy định hiện hành nhằm đảm bảo phòng dịch COVID-19.   

Tại Nhật Bản, ngày 28/9, Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura cho biết chính phủ nước này sẽ cân nhắc đề xuất của các chuyên gia, cố vấn về việc dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế khẩn cấp vào cuối tháng này, khi số ca mắc mới COVID-19 cũng như áp lực đối với hệ thống y tế đều giảm.  
Nếu đề xuất trên được hội đồng cố vấn của chính phủ thông qua, các tỉnh thành trên toàn Nhật Bản sẽ không phải thực thi tình trạng khẩn cấp vì COVID-19 lần đầu tiên trong gần 6 tháng qua. 

Tương tự nhiều quốc gia khác, Nhật Bản đã nỗ lực ngăn chặn làn sóng lây nhiễm bệnh do biến thể Delta có khả năng lây lan cao bằng cách áp đặt các biện pháp hạn chế khẩn cấp tại nhiều địa phương ở nước này. Nhờ vậy, số ca nhiễm mới hằng ngày ở Nhật Bản và số ca bệnh nặng đã giảm đều trong một tháng trở lại đây. Đơn cử ngày 26/9 nước này ghi nhận 2.129 ca mắc mới. Cho đến nay, khoảng 56% dân số Nhật Bản đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Minh Tâm (TTXVN)
Thái Lan thêm 9.489 ca mắc, 129 ca tử vong do COVID-19
Thái Lan thêm 9.489 ca mắc, 129 ca tử vong do COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, số ca mắc mới COVID-19 theo ngày ở Thái Lan đã giảm xuống dưới ngưỡng 10.000 ca, với 9.489 ca ghi nhận sáng 28/9. Bộ Y tế Thái Lan cho biết trong 24 giờ qua nước này cũng có thêm 129 trường hợp tử vong do COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN