Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 26/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 244.743.066 ca, trong đó có 4.9.849 người tử vong. Cuộc sống bình thường mới đang đến với người dân nhiều nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có chiều hướng lắng dịu.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á đều chứng kiến số ca tử vong và mắc mới có xu thế giảm. Dịch bệnh đang nóng trở lại ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này.
Còn vài nước tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng mới. Trong số này, Mỹ, Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Nga là nước có số ca mắc và tử vong mới cao nhất thế giới, thậm chí ca tử vong tăng vọt.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 221 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 17 triệu ca và trên 75.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 25/10, thế giới có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 101 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19”, trong đó một số nước sự kiến sẽ thông quan từ tháng 11 tới. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 607 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 344 người và CH Bắc Macedonia với 337 người/100.000 dân.
Tại Mỹ, Nhà Trắng ngày 25/10 thông báo Tổng thống Joe Biden sẽ ký ban hành một sắc lệnh nhằm áp đặt các yêu cầu mới về vaccine ngừa COVID-19 đối với hầu hết các công dân nước ngoài tới Mỹ bằng đường hàng không. Các quy định mới sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 8/11.
Theo thông báo, sắc lệnh trên sẽ dỡ bỏ tất cả các hạn chế đi lại đã được áp dụng từ đầu năm 2020, theo đó cấm hầu hết các công dân không phải người Mỹ từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil và đa số các nước châu Âu tới Mỹ. Những hạn chế đi lại trên cũng sẽ hết hạn vào ngày 8/11. Thông báo của Nhà Trắng cũng xác nhận trẻ em dưới 18 tuổi, cũng như những người có vấn đề về sức khỏe được miễn các yêu cầu về vaccine mới.
Những người không phải là khách du lịch đến từ khoảng 50 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc dưới 10% cũng sẽ đủ điều kiện để được miễn các quy định trên. Ngoài ra, theo thông báo, những người thuộc diện được miễn các quy định trên sẽ cần phải được tiêm chủng nếu họ có ý định ở lại Mỹ nhiều hơn 60 ngày.
Tại khu vực Đông Bắc Á, Hàn Quốc đang dần trở lại cuộc sống bình thường. Ngày 25/10, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố nước này sẽ từng bước trở lại cuộc sống bình thường kể từ tháng 11 tới trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng gia tăng.
Theo đó, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ, vốn chịu tác động nặng nề do các biện pháp kiểm soát dịch, sẽ cải thiện hơn, trong khi việc giảng dạy, học tập trực tiếp sẽ hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, Hàn Quốc sẽ tiếp tục duy trì nghiêm các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang sau tháng 11 tới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Còn tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, từ ngày 25/10, các nhà hàng không còn bị hạn chế thời gian phục vụ và được phép bán đồ uống có cồn. Đây là lần đầu tiên trong vòng 11 tháng qua, dịch vụ ăn uống được trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, giới chức Tokyo vẫn khuyến cáo các nhà hàng nên tuân thủ giữ khoảng cách trong quá trình phục vụ khách hàng.
Đây là tín hiệu vui đối với người dân và các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại thủ đô Tokyo trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 chuyển biến tích cực thời gian gần đây. Trong ngày 24/10, thủ đô Tokyo ghi nhận 19 ca mắc COVID-19 mới, không có ca tử vong.
Đây mức thấp nhất kể từ đầu năm, cũng là ngày thứ 8 liên tiếp ghi nhận con số dưới 50 ca/ngày. Tính trung bình trong 7 ngày qua, số ca mắc mới tại thủ đô Tokyo là 31,3 người.
Tại Israel, lần đầu tiên kể từ đầu tháng 8 đến nay, số ca mắc COVID-19 nghiêm trọng đã giảm xuống dưới 300 ca, trong khi tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính cũng giảm xuống dưới 1%. Bộ Y tế Israel ngày 25/10 cho biết số ca COVID-19 nặng tại nước này đã giảm còn 284 ca, so với trung bình trên 700 ca trong tháng trước.
Tính đến ngày 24/10, tại Israel có trên 11.970 ca mắc COVID-19 đang điều trị, trong đó chỉ có 414 ca phải nhập viện. Trong ngày cũng chỉ có 330 ca xét nghiệm cho kết quả dương tính, với tỷ lệ 0,97%, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7.
Tuy nhiên, tại một số nước như Nga, Ba Lan, New Zealand và Papua New Guinea, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ngày 25/10, Nga thông báo ghi nhận 37.930 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch. Đối mặt với số ca mắc mới gia tăng và thất vọng với tốc độ tiêm vaccine chậm chạp, Chính phủ Nga đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn trong tuần này để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.
Bộ Y tế Ba Lan cùng ngày thông báo số ca mắc mới COVID-19 ở nước này đã tăng 90% so với tuần trước. Nếu xu hướng dịch bệnh này tiếp diễn, Ba Lan có thể phải áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn, có thể liên quan đến quy định đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội.
Trong khi đó, với 109 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, New Zealand hiện vẫn chưa kiểm soát được đợt bùng phát do biến thể Delta gây ra tại Auckland dù đã áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại đây trong hơn hai tháng qua. Trong tuần qua, nước này cũng ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau một năm tại khu vực đảo phía Nam. Số ca nhiễm tăng nhanh cũng đã buộc Thủ tướng Jacinda Ardern phải từ bỏ chiến lược “loại bỏ hoàn toàn COVID-19” và chuyển sang “sống chung với COVID-19”.
Papua New Guinea cũng đang đối mặt với số ca mắc COVID-19 tăng vọt, đe dọa gây quá tải hệ thống y tế.
Ngày 25/10, truyền thông Iran đưa tin nước này mới mở cửa trở lại để đón du khách đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ sau gần 20 tháng đóng cửa do đại dịch.
Theo thông tin trên trang web chính thức của Bộ Du lịch Iran, lực lượng đặc trách phòng chống dịch COVID-19 của nước này đã thông qua quyết định mở cửa sau khi tham vấn từ bộ trên. Hãng thông tấn ISNA đưa tin, theo quyết định mới, những du khách đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và những người có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 96 giờ có thể được cấp thị thực nhập cảnh Iran. Đối tượng áp dụng quyết định này không bao gồm những người đến từ các quốc gia trong nhóm có nguy cơ dịch bệnh cao theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Iran là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất tại Trung Đông. Nước này đã đóng cửa biên giới với du khách nước ngoài từ tháng 3/2020, ngoại trừ những người đi công tác và vì lý do y tế. Trung bình, số lượt đi lại quốc tế đến và đi từ Iran đã giảm khoảng 80% trong năm tính đến ngày 20/3/2021. Ngành du lịch Iran thâm hụt 1,2 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2021.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 25/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 23.674 ca bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước; Trong khi tổng số ca tử vong tới nay tăng lên xấp xỉ 276.000 người.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á đang tiếp tục xu thế hạ nhiệt, số ca mắc mới tại các nước đi ngang trong mấy ngày gần đây. Trừ Philippines, còn lại ca tử vong nhìn chung cũng đang giảm trong toàn khối. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tạp một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 9 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Malaysia, Lào, Brunei và Việt Nam.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” chỉ ghi nhận 460 ca bệnh mới và chỉ có 30 ca tử vong.
Diễn biến dịch dù đã bớt nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, song số ca tử vong lại có chiều hướng tăng lại. Ngày 25/10, Philippines ghi nhận số ca tử vong cao nhất khu vực với 149 trường hợp. Malaysia từng là điểm nóng, song 1 ngày qua chỉ ghi nhận 4.782 ca mắc mới và 92 ca tử vong. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 711 ca bệnh và 22 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.
Trong khi đó, Thái Lan hiện là điểm dịch nóng nhất Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 25/10 ghi nhận thêm trên 8.000 ca bệnh mới, cao nhất khu vực. Trong khi số ca tử vong là 92 người (cao thứ hai khu vực).
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 116 bệnh nhân mới và 9 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 275.958 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 413 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên trên 13 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 12 triệu trường hợp.
Nhìn chung, toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Ngày 25/10, hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) dẫn dữ liệu sơ bộ của một nghiên cứu khẳng định vaccine ngừa COVID-19 do hãng này phát triển tạo được phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và có độ dung nạp tốt ở trẻ em từ 6-11 tuổi.
Theo đó, các dữ liệu cho thấy hai liều vaccine của Moderna, mỗi liều 50 microgram - bằng một nửa liều tiêm dành cho người lớn, đã tạo được các kháng thể trung hòa virus SARS-CoV-2 ở trẻ em. Các tác dụng phụ phổ biến có thể xảy ra là mệt mỏi, nhức đầu, sốt và đau chỗ tiêm. Tuy nhiên, phần lớn những tác dụng phụ này xảy ra ở mức độ nhẹ và trung bình. Moderna cho biết hãng dự định sẽ sớm gửi dữ liệu trên tới các cơ quan quản lý ở Mỹ, châu Âu và các nước khác.
Tháng 12/2020, Moderna đã được Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng cho người trên 18 tuổi với liều 100 microgram. Hiện Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đang xem xét cấp phép tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Moderana cho nhóm tuổi vị thành niên.