Ngày 1/3, Tổng thống Áchentina Cristina Fernández cho biết đã chỉ thị cho Ngoại trưởng nước này Hector Timerman thương lượng lại với Anh về nội dung thỏa thuận giữa hai nước liên quan hoạt động hàng không tới quần đảo Malvinas mà phía Anh gọi là Falklands.
Phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội, Tổng thống Cristina nêu rõ nước này muốn các chuyến bay tới Malvinas phải xuất phát từ Buênốt Airết và do Hãng hàng không quốc gia Aerolíneas Argentinas thực hiện, đồng thời tăng số lượng chuyến bay từ 2 chuyến/tuần hiện nay lên 3 chuyến/tuần. Nhà lãnh đạo Áchentina nhấn mạnh với việc thương lượng các điều chỉnh này, Áchentina muốn gia tăng nỗ lực trong việc đàm phán với Anh về chủ quyền đối với quần đảo Malvinas theo tinh thần các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ), và Áchentina không muốn gây hại cho bất kỳ cộng đồng dân cư nào, kể cả người dân tại quần đảo.
Tổng thống Áchentina Cristina Fernández. Ảnh: Internet. |
Căn cứ theo thỏa thuận được các ngoại trưởng Áchentina và Anh ký năm 1999, các chuyến bay tới Malvinas xuất phát từ Chilê và do Hãng hàng không LAN (Chilê) thực hiện, được dừng chân tại thành phố Rio Gallegos của Áchentina.
Trước đó, trong kỳ họp gần đây nhất của Đại hội đồng LHQ, bà Cristina đã dọa đình chỉ các chuyến bay trên nếu Luân Đôn tiếp tục từ chối đàm phán với Buênốt Airết về chủ quyền đối với Malvinas - động thái được cho là sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân trên quần đảo. Cho đến nay, Anh luôn từ chối đàm phán với Áchentina với lý do người dân trên quần đảo muốn là công dân Anh.
Căng thẳng ngày càng leo thang giữa Anh và Áchentina xung quanh chủ quyền tại Malvinas, hiện do London nắm quyền kiểm soát, trong bối cảnh sắp tới dấu mốc kỷ niệm 30 năm nổ ra cuộc chiến tranh Malvinas (tháng 4/1982). Ngày 28/2, Áchentina đã ra lệnh cấm các tàu du lịch mang cờ Anh, trong đó có hai tàu du lịch Adonia và Star Princess của Anh tới thăm quần đảo Malvinas, cập cảng Ushuaia ở miền Nam quốc gia Nam Mỹ này. Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Áchentina Timerman đã chính thức đệ đơn lên LHQ tố cáo Anh quân sự hóa Malvinas, sau khi Luân Đôn phái tàu khu trục HMS Dauntless hiện đại tới quần đảo ở Nam Đại Tây dương này.
Quần đảo Malvinas nằm cách bờ biển Áchentina khoảng 650 km và cách Anh gần 8.000 km, với tổng diện tích khả thi cho khai thác dầu khí lên tới 400.000 km2. Quần đảo này bị quân đội Anh chiếm bằng vũ lực năm 1833. Năm 1982, Áchentina đã tấn công quân đội đồn trú của Anh và chiếm lại được quần đảo này trong 74 ngày, nhưng sau đó lại bị đánh bại. Cuộc xung đột vũ trang này đã cướp đi sinh mạng của 649 binh sỹ Áchentina và 255 lính Anh. Đến nay, LHQ đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp, tuy nhiên Luân Đôn cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền tại vùng lãnh thổ này.
TTXVN/Tin Tức