Phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày nổ ra chiến tranh với Anh xung quanh tranh chấp chủ quyền quần đảo Malvinas, ngày 2/4 tại thành phố Ushuaia, Tổng thống Áchentina Cristina Fernández phê phán Luân Đôn tiếp tục duy trì chế độ thực dân tại quần đảo ở nam Đại Tây Dương này.
Vị trí quần đảo Malvinas mà phía Anh gọi là Falkland trên bản đồ. (Nguồn: geopoliticalmonitor.com) |
Nhà lãnh đạoÁchentina cho biết, thế giới đã bước vào thế kỷ XXI, nhưng vẫn còn 16 thuộc địa, trong đó có 10 thuộc địa của Anh, gồm cả Malvinas, bị Luân Đôn xâm lược từ năm 1833, và đây là điều “vô lý”. Trong diễn văn, một lần nữa Tổng thống Cristina kêu gọi Luân Đôn thực hiện các nghị quyết yêu cầu hai bên đàm phán giải quyết vấn đề chủ quyền Malvinas.
Cuộc chiến tranh Malvinas nổ ra ngày 2/4/1982 với việc chính quyền độc tài tạiÁchentina đưa quân đổ bộ lên quần đảo, và phíaÁchentina đã phải gánh chịu thất bại sau 74 ngày giao tranh. Trong cuộc chiến này, đã có hơn 900 binh lính của hai phía thiệt mạng, phần lớn là người Áchentina.
Cho đến nay, bất chấp các nghị quyết của LHQ yêu cầu Anh đàm phán giải quyết tranh chấp, Luân Đôn vẫn làm ngơ với lý do chỉ đàm phán khi người dân tại quần đảo này đề nghị. Trong khi đó, khoảng 3.000 người dân tại Malvinas, phần lớn là người Anh hoặc hậu duệ của họ, lại không muốn quần đảo thuộc chủ quyền của Áchentina.
Cùng ngày, một số tổ chức quần chúng đã tổ chức biểu tình phản đối trước Đại sứ quán Anh tại thủ đô Buênốt Airết. Một số người biểu tình đã ném đá và bom xăng vào Đại sứ quán buộc cảnh sát phải sử dụng vòi rồng và hơi cay để giải tán. Đã có một số cảnh sát bị thương trong khi xô xát với những người biểu tình.
Cũng trong ngày 2/4, Liên minh các nước Nam Mỹ (Unasur) tái khẳng định sự ủng hộ của khối này đối vớiÁchentina trong tranh chấp chủ quyền Malvinas. Trong một tuyên bố được trao cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Tổng thư ký Unasur María Emma Mejía phê phán Anh duy trì tình trạng thực dân “lỗi thời” tại châu Mỹ.
Quang Sơn(P/v TTXVN tại Áchentina)