Báo cáo cập nhật được ADB công bố ngày 20/7 cho thấy phục hồi kinh tế tại Ấn Độ và các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ suy yếu so với các dự báo trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do diễn biến dịch bệnh COVID-19 liên quan đến biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.
Bùng phát COVID-19 tại những nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đã đẩy triển vọng tăng trưởng ở khối này trong năm 2021 giảm nhẹ, còn 7,2% so với mức 7,3% như dư báo trước đó. Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất khu vực, sẽ vẫn giữ được đà tăng trưởng mạnh, với GDP ước đoán tăng 8,1% trong năm 2021, trước khi trở lại mức tăng trường bình thường vào khoảng 5,5% trong năm 2022.
Triển vọng tăng trưởng tại Ấn Độ bị cắt giảm 1%, xuống còn 10% trong năm 2021. Trong khi đó tăng trưởng GDP tại ASEAN được dự báo giảm xuống 4% so với mức 4,4% từng được ADB đưa ra trong quý 2. Mức cắt giảm này là do làn sóng lây nhiễm thứ hai tấn công nhiều nước Đông Nam Á, buộc chính quyền phải ban hành các quy định về đóng cửa, hạn chế, giãn cách. Tăng trưởng của Ấn Độ và ASEAN trong năm 2022 được dự báo lần lượt ở mức 7,5% và 5,2%.
Tại Đông Nam Á, các nền kinh tế lớn đang đối mặt với thách thức đến từ biến thể Delta, khiến dự báo tăng trưởng GDP được điều chỉnh giảm trong năm 2021. Malaysia dự kiến tăng 5,5%, giảm so với mức 6% trong kỳ báo cáo trước của ADB. Tỉ lệ tăng trưởng này với Malaysia, Philippines lần lượt là 2% và 4,5%.
“Phục hồi từ đại dịch COVID-19 tại châu Á-Thái Bình Dương vẫn tiếp nối, nhưng chặng đường phía trước còn mong manh do tái bùng phát dịch bệnh, sự xuất hiện của biến thể mới cũng như chiến dịch tiêm chủng vaccine không đồng đều”, chuyên gia kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada của ADB nêu nhận định.
Theo ADB, tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại khu vực đang có bước tiến, với tỉ lệ 41,5 mũi tiêm/100 dân vào cuối tháng 6 vừa qua, trên mức bình quân toàn cầu là 39,2 mũi tiêm/100 dân, nhưng thấp hơn nhiều so với mức 97,6 mũi/100 dân ở Mỹ và 81,8 mũi/100 dân ở Liên minh châu Âu.