Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Afghanistan Tadamichi Yamamoto bày tỏ lo ngại những thách thức chính trị tại quốc gia Nam Á này có nguy cơ làm chệnh hướng các cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng địa phương dự kiến diễn ra ngày 20/10 tới.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, đặc phái viên Yamamoto cho biết ông “rất lo ngại” những thách thức về chính trị đe dọa đến kế hoạch tổng tuyển cử nếu tất cả các lãnh đạo không thực hiện những biện pháp “mang tính xây dựng và hòa bình” để bảo đảm bầu cử diễn ra đúng dự kiến. Quan chức này nêu rõ dù Ủy ban Bầu cử độc lập đã công bố hơn 9 triệu cử tri đăng ký đi bỏ phiếu, song nhiều đảng đối lập vẫn hoài nghi về con số này do cáo buộc gian lận và bất ổn an ninh cản trở nhiều người dân đăng ký. Thái độ hoài nghi gia tăng ngay cả khi chính quyền Kabul triển khai một số biện pháp xác minh danh sách cử tri và ngăn chặn nguy cơ xảy ra gian lận. Trong những ngày qua, những người ủng hộ thành lập một liên minh các đảng chính trị đã phong tỏa một số trụ sở ủy ban bầu cử cấp tỉnh, đòi triển khai thêm các biện pháp đảm bảo trên. Gần 30% trong số 7.000 điểm bỏ phiếu có nguy cơ đóng cửa do bất ổn an ninh.
Đặc phái viên Yamamoto hối thúc tất cả các lãnh đạo và tổ chức chính trị Afghanistan hành động có trách nhiệm vì sự thành công của các cuộc bầu cử và vì cuộc sống của người dân. Người đứng đầu Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan (UNAMA) nhấn mạnh cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục hỗ trợ nhằm bảo đảm trật tự hiến pháp của Afghanistan, đồng thời cam kết UNAMA tiến hành mọi nỗ lực có thể để hỗ trợ tiến trình bầu cử của nước này.
Bên cạnh đó, quan chức trên cũng bày tỏ lo ngại về tình hình an ninh xấu đi do giao tranh giữa quân đội Afghanistan và phiến quân Taliban. Theo UNAMA, con số kỷ lục 1.692 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột và tấn công khủng bố xảy ra ở Afghanistan trong nửa đầu năm 2018, trong khi số dân thường bị thương là 3.430 người.
An ninh bất ổn cũng cướp đi sinh mạng của nhiều nhà báo và các nhân viên cứu trợ. Ít nhất 13 nhà báo đã thiệt mạng tại Afghanistan, con số cao nhất trên thế giới, và nhiều người bị thương. Trong khi đó, 23 nhân viên cứu trợ thiệt mạng, 37 người bị thương và 74 người bị bắt cóc, khiến Afghanistan trở thành quốc gia nguy hiểm đối với những người làm công tác này.