Ngày 4/9, người phát ngôn của Tổng thống Afghanistan, ông Sediq Sediqqi nêu rõ: "Chính phủ Afghanistan lo ngại, do đó chúng tôi muốn hiểu rõ hơn về văn kiện này để hoàn tất phân tích những nguy cơ, hậu quả tiêu cực và tránh những rủi ro".
Theo dự thảo thỏa thuận trên, Mỹ sẽ rút khoảng 5.000 binh sĩ khỏi Afghanistan và đóng cửa 5 căn cứ để đổi lấy việc Taliban cam kết không cho phép các tổ chức khủng bố như mạng lưới quốc tế al-Qaeda hoặc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng lợi dụng Afghanistan làm "bàn đạp" để tiến hành các vụ tấn công vào Mỹ và những nước đồng minh. Văn kiện này đã được Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad trình Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani.
Tuy nhiên, với việc Taliban gia tăng các cuộc tấn công tại thủ đô Kabul và các tỉnh lị trên toàn quốc, thỏa thuận đang gặp phải sự hoài nghi từ một số bên, gồm cả một số cựu quan chức và chính khách Mỹ. Nhiều quan chức trong Chính phủ Afghanistan, không tham gia đàm phán, bày tỏ quan ngại sâu sắc thỏa thuận nhượng bộ quá nhiều và cho phép Taliban quay trở lại nắm quyền.
Đặc phái viên Khalilzad dự kiến sẽ tiến hành một loạt cuộc gặp với các giới chức Afghanistan và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để giải thích về dự thảo thỏa thuận. Trước khi được chính thức ký kết, văn kiện này cần được Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp thuận.
Thỏa thuận đạt được sau nhiều tháng đàm phán, nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan chấm dứt giao tranh và đạt một giải pháp chính trị toàn diện. Cho đến nay, Taliban vẫn từ chối đối thoại trực tiếp với chính quyền trung ương Kabul.
Trước đó, Taliban cho biết muốn gặp các quan chức chức Chính phủ Afghanistan với tư cách cá nhân chứ không phải đại diện quốc gia.