Chiến sự Israel - Hamas
Ngày 7/10, hàng trăm tay súng phong trào Hồi giáo Hamas từ Gaza tràn qua biên giới Israel, giết chết khoảng 1.140 người, chủ yếu là dân thường và bắt khoảng 250 người làm con tin. Đây là vụ thảm sát tồi tệ nhất trong lịch sử Israel và gây chấn động thế giới.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cam kết tiêu diệt Hamas và phát động một chiến dịch không kích dồn dập ở Gaza. Theo sau đó, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã mở một cuộc tấn công trên bộ khiến toàn bộ khu dân cư phía Bắc Gaza trở thành đống đổ nát.
Sau 7 tuần giao tranh, hai bên nhất trí đình chiến trong vòng một tuần, trong đó Hamas thả 105 con tin, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, còn Israel trả tự do cho 240 tù nhân Palestine.
Lo ngại kịch bản Hamas có thể tập hợp lại, Israel tiếp tục tấn công, chuyển trọng tâm sang miền Nam Gaza, kể cả các khu vực trước đây được tuyên bố là "vùng an toàn".
Mỹ - đồng minh của Israel – đã phủ quyết một nghị quyết của Liên hợp quốc đưa ra nhằm kêu gọi hai bên ngừng bắn. Dù vậy, Tổng thống Joe Biden đã lên án chiến dịch ném bom của Israel là "bừa bãi".
Ngày 18/12, cơ quan y tế do Hamas kiểm soát ở Gaza cho biết số nạn nhân thiệt mạng đã lên đến 19.453 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Theo chính quyền Israel, còn 129 con tin trong vụ tấn công ngày 7/10 vẫn bị giam giữ ở Gaza. Khoảng 20 người được cho là đã chết.
Chiến dịch phản công bế tắc
10 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Kiev đã tiến hành một cuộc phản công được kỳ vọng từ lâu, sau khi tích lũy kho vũ khí mạnh mẽ do phương Tây sản xuất trị giá tỷ USD.
Tuy nhiên, đợt phản công này không gây ảnh hưởng nhiều đến tuyến phòng thủ sâu của Nga, khiến các đồng minh của Kiev thất vọng.
Khi mùa Đông đến và dư luận thế giới tập trung vào cuộc chiến Israel - Hamas, Ukraine đã phải đấu tranh để đảm bảo những lời cam kết về sự hỗ trợ quân sự lâu dài từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Một tin tốt hiếm hoi dành cho Tổng thống Volodymyr Zelensky là vào giữa tháng 12 khi các nhà lãnh đạo EU đồng ý mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Kiev. Thế nhưng, Hungary đã nhanh chóng làm dập tắt niềm phấn khởi đó bằng cách phủ quyết gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro cho Ukraine.
Trận động đất kinh hoàng
Rạng sáng 6/2, một trong những trận động đất kinh hoàng nhất trong thế kỷ đã san phẳng toàn bộ thành phố ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, khiến hơn 50.000 người thiệt mạng. Bên kia biên giới Syria, khoảng 6.000 người cũng bỏ mạng vì rung chấn.
Hai hình ảnh khắc sâu về cơn địa chấn có độ lớn 7,8 này gồm: hình ảnh một người cha nắm lấy bàn tay cô con gái 15 tuổi đã chết, thò ra từ dưới một tòa nhà bị sập ở cùng tâm chấn Kahramanmaras và hình ảnh một bé gái sơ sinh được giải cứu khỏi đống đổ nát trong khi vẫn chưa được cắt dây rốn khỏi người mẹ đã khuất.
Đảo chính tràn lan
Hàng loạt cuộc đảo chính đánh dấu sự thoái trào tại các nước châu Phi nói tiếng Pháp tiếp tục diễn ra vào năm 2023. Niger và Gabon là những quốc gia mới nhất xảy ra các vụ lật đổ một tổng thống dân cử.
Nước Pháp buộc phải rút cả đại sứ và lực lượng chống khủng bố khỏi Niger. Đây là lần thứ ba lực lượng của Pháp bị một cựu thuộc địa châu Phi yêu cầu rời đi trong vòng chưa đầy hai năm.
Trong khi đó, vào tháng 8, Tổng thống Gabon Ali Bongo Ondimba đã bị phế truất sau khi quân đội và phe đối lập cáo buộc ông gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống.
Đình công ở Hollywood
Nỗi sợ hãi liên do trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra trong nền kinh tế sáng tạo đã lan sang kinh đô điện ảnh Hollywood của Mỹ. Hồi tháng 5, các nhà biên kịch và nhân viên trong ngành đã tổ chức đình công yêu cầu hạn chế sử dụng công nghệ này trong phim ảnh, cũng như đòi được tăng lương.
Đến tháng 7, các diễn viên Hollywood cũng tham gia cuộc đình công lớn nhất ở Tinseltown kể từ những năm 1960. Một phần do lo ngại rằng AI sẽ được sử dụng sao chép giọng nói và hình dáng của họ.
Vụ đình công trên đã gây trì hoãn hàng trăm chương trình cũng như là các bộ phim nổi tiếng trước khi phía hãng phim và diễn viên đồng ý ký thỏa thuận vào tháng 11, hai tháng sau khi các nhà biên kịch quay trở lại làm việc.
Thế giới “sôi sục”
Năm qua gắn liền với việc các đại dương trên thế giới nóng lên như sôi sục. Cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu dự đoán năm 2023 sẽ là năm nóng kỷ lục trong lịch sử.
Hạn hán, vốn trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu, được cho là một trong những yếu tố đằng sau vụ cháy rừng kinh hoàng nhất ở Mỹ trong một thế kỷ trên đảo Maui, khiến ít nhất 115 người.
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc ở Dubai vào tháng 12, khoảng 200 quốc gia đồng ý chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Cuộc đua Mặt trăng
Cuộc chạy đua lên không gian đã nóng lên vào năm 2023, với Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh thành công tàu không người lái lên cực Nam của Mặt trăng hồi tháng 8. Vài ngày trước đó, tàu đổ bộ của Nga đã đâm va xuống bề mặt Mặt trăng.
Hơn nửa thế kỷ sau khi phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong trở thành người đầu tiên đi bộ trên Mặt trăng, một số quốc gia đang nỗ lực đưa con người trở lại thiên thể.
Nụ hôn cưỡng ép
Chiến thắng của đội tuyển bóng đá nữ Tây Ban Nha trước đối thủ Anh trong trận chung kết World Cup ở Sydney vào ngày 20/8 đã dẫn đến sự ăn mừng cuồng nhiệt ở quê nhà.
Nhưng niềm hưng phấn đó nhanh chóng phải nhường chỗ cho sự phẫn nộ khi Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha Luis Rubiales khi đó bị bắt gặp hôn lên môi đội trưởng Jenni Hermoso ngay trên sân cô. Nữ cầu thủ Hermoso sau đó nói rằng cô coi nụ hôn đó là một hành động lạm dụng.
Về phần mình, ông Rubiales khẳng định nụ hôn đó đã được cô Hermoso đồng thuận, nhưng vẫn vấp phải sự phản đối kịch liệt. Cuối cùng, ông này phải từ chức.
Cuộc di dời của người gốc Armenia
Ngày 19/9, Azerbaijan đã phát động một chiến dịch tấn công chớp nhoáng ở Nagorny-Karabakh mà nước này được gọi là “các biện pháp chống khủng bố mang tính chất cục bộ” nhằm khôi phục trật tự Hiến pháp.
24 tiếng đồng hồ sau, hai bên đã thông qua một thỏa thuận ngừng bắn nhờ sự hòa giải của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga. Theo đó, lực lượng ly khai Armenia đã giải giáp và rút các trang thiết bị hạng nặng khỏi khu vực.
Sau ba thập kỷ nỗ lực giành độc lập, chính quyền khu vực ly khai Nagorny-Karabakh của Azerbaijan đã tuyên bố giải thể nước cộng hòa tự xưng, chấm dứt tình trạng bùng phát thù địch giữa Stepanakert và Baku.
Tình hình an ninh ở khu vực chủ yếu là người dân tộc Armenia sinh sống đã trở nên bất ổn trong nhiều thập kỷ với các cuộc giao tranh lẻ tẻ bùng phát. Khu vực này cũng đã trải qua một cuộc chiến tranh lớn vào đầu những năm 1990 khiến hàng nghìn người thiệt mạng và kết thúc bằng lệnh ngừng bắn vào năm 1994.
Phần lớn trong tổng số khoảng 120.000 người gốc Armenia đã rời Nagorno-Karabakh đến Armenia.
Nhân tố bất ngờ ở Argentina
Ông Milei, 53 tuổi, là người đứng đầu đảng Tiến bộ Tự do (LLA) do ông thành lập năm 2021, đã đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai diễn ra hôm 19/11 vừa qua sau khi giành được 55% số phiếu bầu.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi nền dân chủ Argentina được thiết lập vào năm 1983, một chính trị gia theo chủ nghĩa tân tự do và không phải là người của các nhóm liên minh chính trị trung tả và trung hữu lên nắm quyền điều hành đất nước.
Xuất thân là nhà kinh tế học, ông Milei đã có một chiến dịch tranh cử “sôi nổi” khi nhiều lần tuyên bố sẽ đóng cửa Ngân hàng trung ương, USD hóa nền kinh tế và cắt giảm mạnh chi tiêu nhà nước. Ông Milei cũng đã hạ giá đồng peso hơn 50% so với đồng USD như một phần của "liệu pháp sốc kinh tế" theo quy định của ông.
Về chính sách đối ngoại, ông Milei chủ trương tăng cường liên kết với Mỹ, Israel, châu Âu và toàn bộ “thế giới tự do”. Có nhiều dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo mới của Argentina sẽ áp dụng chủ nghĩa thực dụng ngoại giao trong thời gian tới.