Tổng thống Trump cho rằng thỏa thuận hạt nhân đạt được dưới thời chính quyền của người tiền nhiệm Barack Obama có thể dẫn tới cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tại Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, ông Tirta Parsi, tác giả cuốn sách “Mất đi một kẻ thù: Obama, Iran và chiến thắng của ngoại giao” (2017) đánh giá việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Tổng thống Trump có thể kéo Trung Đông “quay trở lại bờ vực chiến tranh”.
Ông Parsi cho rằng căng thẳng có thể leo thang ở bất cứ cuộc xung đột nào vốn đang nổi cộm ở Trung Đông, từ Yemen - nơi liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu tấn công mục tiêu là lực lượng Houthi trong hơn 3 năm cho đến Syria vốn đang oằn mình vì chiến sự.
Tác giả Parsi nhận định Mỹ rút chân khỏi thỏa thuận hạt nhân là “cú đòn giáng” đối với Tổng thống Iran Hassan Rouhani và lực lượng ôn hòa tại quốc gia Trung Đông này. Điều này đồng thời tạo điều kiện để những cá nhân có quan điểm cứng rắn trong chính phủ Iran “cầm lái” và đẩy mạnh chính sách ngoại giao quyết liệt hơn.
Không những vậy, theo tác giả Parsi, tuyên bố của Tổng thống Trump còn khiến nước Mỹ tự cách ly và gây mất lòng các đồng minh tại châu Âu. Anh, Pháp và Đức đều lên tiếng khẳng định trung thành với thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, trong khi đó, Tổng thống Trump lại cam kết trừng phạt bất cứ quốc gia nào ủng hộ Iran.
Nhà phân tích chính trị người Mỹ Fatemeh Aman trong khi đó đánh giá với hãng tin Al Jazeera rằng Tổng thống Trump đưa ra quyết định ngày 8/5 bắt nguồn từ quan ngại Iran đang mở rộng ảnh hưởng chính trị tại Trung Đông.
Giáo sư Mohammad Marandi tại Đại học Tehran đánh giá lệnh trừng phạt sẽ gây “thương tích” cho Iran trong một thời gian. Tuy nhiên, giáo sư Marandi kỳ vọng Iran có thể vượt qua khủng hoảng nhờ sự trợ giúp của các đồng minh mới.
“Mối quan hệ của Iran với Trung Quốc và Nga đã tiến triển. Trên thực tế, Mỹ đã đẩy 3 quốc gia này xích lại gần nhau hơn. Vị trí trong khu vực của Iran cũng có khác biệt so với thời điểm cách đây một thập niên. Iran có các đồng minh trong khu vực cũng như những mối quan hệ láng giềng hòa hảo”, ông Marandi nêu rõ.
Ngoài ra, giáo sư Marandi cũng hoài nghi về khả năng động thái này của Tổng thống Mỹ khiến Iran phải quay trở lại bàn đàm phán. Qua các cuộc đàm phán trước đây, Iran từng chứng tỏ quốc gia này có khả năng linh hoạt. Tuy nhiên, trong viễn cảnh đồng ý tham gia lại đàm phán, Iran sẽ có lập trường cứng rắn hơn. Giáo sư Marandi đánh giá điều này sẽ không xảy ra trong thời gian gần.