Ngày 14/8, Ai Cập tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp trong 1 tháng, trong bối cảnh bạo lực bùng phát trên cả nước sau khi lực lượng an ninh tiến hành giải tán những người biểu tình ủng hộ tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi.Một phụ nữ Ai Cập cố gắng ngăn cản xe ủi của quân đội không chèn lên người thanh niên bị thương trong cuộc dẹp loạn "đẫm máu" tại Cairo ngày 14/8. Ảnh: Internet. |
Tuyên bố của Phủ Tổng thống Ai Cập được phát trên truyền hình nhà nước nêu rõ tình trạng khẩn cấp bắt đầu có hiệu lực từ 16h00 (14h00 giờ GMT). Theo tuyên bố, Tổng thống lâm thời Adly Mansour "đã giao nhiệm vụ cho các lực lượng vũ trang, phối hợp với cảnh sát, thức hiện mọi biện pháp cần thiết để duy trì an ninh và trật tự đồng thời bảo vệ tài sản và tính mạng của công dân".
Một quan chức y tế Ai Cập cho biết có ít nhất 95 người thiệt mạng và 874 người bị thương trong cuộc đụng độ ngày 14/8 giữa những người biểu tình ủng hộ ông Morsi và lực lượng an ninh ở hai quảng trường chính của Ai Cập là quảng trường Rabaa El-Adaweya, phía Bắc thủ đô Cairo và quảng trường Nahda ở Giza, nơi diễn ra các cuộc biểu tình ngồi từ ngày 28/6. Theo hãng thông tấn Pháp AFP, riêng tại quảng trường Rabaa El-Adaweya đã có ít nhất 124 người thiệt mạng.
Trong khi đó, người phát ngôn của tổ chức Anh em Hồi giáo Ahmed Aaref cho rằng có hơn 2.200 người thiệt mạng và gần 10.000 người bị thương trong các cuộc đụng độ. Hiện lực lượng an ninh Ai Cập đã kiểm soát hoàn toàn hai quảng trường trên.
Các nguồn tin cho biết một nhà quay phim làm việc cho hãng truyền thông Sky News của Anh đã thiệt mạng ở Cairo khi lực lượng an ninh Ai Cập giải tán những người biểu tình. Theo Sky News, nhà quay phim Mick Deane, 61 tuổi, bị bắn chết trong lúc tác nghiệp cùng một nhóm đưa tin về tình hình bạo lực ở Cairo.
Biểu tình diễn ra nhiều nơi ở Ai Cập trong ngày 14/8 sau khi cảnh sát tiến hành giải tán hai địa điểm biểu tình ngồi tại các quảng trường Nahda và Rabaa El-Adaweya. Những người ủng hộ ông Morsi đã đốt 3 nhà thờ ở khu vực miền Trung Ai Cập, phong tỏa một phần đường phố chính ở quận Mohandeseen của tỉnh Giza lân cận. Đụng độ cũng xảy ra tại thành phố lớn Alexandria và các thành phố Minya và Assiut.
Tất cả các tuyến đường sắt đi và đến Cairo đều ngừng hoạt động ngày 14/8 nhằm không để người ủng hộ ông Morsi tụ tập, sau khi quân đội giải tán người biểu tình khỏi các lán trại ở thủ đô Cairo.
Cùng ngày 14/8, Tướng Abdel Fattah Othman, một quan chức cấp cao Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết một số thủ lĩnh của tổ chức Anh em Hồi giáo đã bị bắt giữ sau khi lực lượng an ninh bắt đầu giải tán một khu vực lều trại của những người biểu tình ở Cairo. Tuy nhiên, ông Othman không cho biết danh tính những người bị bắt giữ.
Lo ngại về tình trạng bạo lực, Bỉ đã quyết định đóng cửa đại sứ quán tại Ai Cập. Tất cả nhân viên sứ quán Bỉ sẽ được di tản khỏi Cairo trong thời gian sớm nhất.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên án tình trạng bạo lực tại Ai Cập và kêu gọi toàn thể người dân nước này tập trung nỗ lực thúc đẩy hòa giải dân tộc.
Bộ Ngoại giao Iran ngày 14/8 ra tuyên bố lên án bạo lực gây nhiều thương vong ở Ai Cập, nêu rõ Tehran rất lo ngại về hậu quả của việc người dân Ai Cập bị sát hại.
Liên minh châu Âu (EU) cũng lên án tình trạng bạo lực ở Ai Cập, bày tỏ "hết sức lo ngại" về hành động trấn áp của lực lượng an ninh. Bà Catherine Ashton, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại EU kêu gọi lực lượng an ninh Ai Cập kiềm chế đồng thời người dân tránh các hành vi kích động. Bà Ashton nhấn mạnh "đối đầu và bạo lực không phải là giải pháp cho các vấn đề chính trị".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle kêu gọi những người ủng hộ chính phủ lâm thời Ai Cập cũng như những người ủng hộ ông Morsi từ bỏ bạo lực. Ngoại trưởng Đức nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi mọi lực lượng chính trị ngay lập tức quay lại thương lượng và tránh leo thang bạo lực. Không được để xảy ra thêm các cuộc đổ máu".
TTXVN/Tin tức