Ai Cập bắt đầu tham vấn thành lập chính phủ mới

Báo nhà nước Ai Cập "Al-Ahram" đưa tin người đứng đầu Tòa án Hiến pháp Tối cao Adli Mansour sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời Ai Cập trong ngày 4/7.

Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 3/7, Tướng Abdel-Fattah al-Sissi đã công bố lộ trình cho giai đoạn chuyển tiếp sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị phế truất, theo đó, dự thảo Hiến pháp do phe Hồi giáo soạn thảo sẽ bị đình chỉ và sẽ sớm tổ chức các cuộc bầu cử, song không nêu rõ thời gian cụ thể.

Biểu tình phản đối Tổng thống Morsi tại thành phố cảng Alexandria. Ảnh: AFP/TTXVN


Bộ trưởng Quốc phòng Sissi cam kết lực lượng vũ trang Ai Cập sẽ đứng ngoài chính trị, thay vào đó sẽ thành lập một chính phủ kỹ trị để điều hành đất nước cho tới khi tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội, đồng thời kêu gọi người dân Ai Cập tránh sử dụng vũ lực, đảm bảo hòa bình.

Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập Ai Cập Amr Mussa cho biết các cuộc tham vấn về việc thành lập chính phủ mới tại nước này đã bắt đầu "ngay từ lúc này" sau khi quân đội phế truất Tổng thống Morsi.

Trong một diễn biến có liên quan, các quan chức cấp cao của Tổ chức Anh em Hồi giáo cho biết sau khi bị quản thúc tại gia, Tổng thống bị phế truất Morsi đã bị cô lập khỏi các phụ tá cấp cao và đã được đưa đến trụ sở Bộ Quốc phòng. Người anh em của Tổng thống bị lật đổ Morsi, ông Saeed Mohamed Morsi cho rằng ông Morsi không làm điều gì sai và "đây rõ ràng là một cuộc đảo chính bất hợp pháp và đi ngược lại với mong muốn của người dân Ai Cập".

Tổ chức Anh em Hồi giáo cũng ra tuyên bố mô tả việc quân đội phế truất Tổng thống Morsi là hành động "phản bội lại cuộc cách mạng và hàng triệu người dân Ai Cập tin vào dân chủ". Trước đó, Tổng thống Morsi cũng đã bác bỏ tuyên bố của quân đội, đồng thời kêu gọi người dân Ai Cập chống lại cuộc đảo chính "bất hợp pháp" này một cách hòa bình.

Cùng ngày, hai thủ lĩnh cấp cao của Tổ chức Anh em Hồi giáo, có quan hệ gần gũi với Tổng thống bị lật đổ Morsi, là thủ lĩnh đảng Tự do và Công lý Saad al-Katatni và phó thủ lĩnh của đảng này Rashad Bayoumi cũng đã bị bắt giữ. Ngoài ra, cảnh sát Ai Cập còn ra lệnh bắt giữ 300 thủ lĩnh và thành viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo. Một quan chức cấp cao Bộ Nội vụ Ai Cập xác nhận việc phát lệnh truy nã đối với các thành viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo, song không cho biết thêm thông tin chi tiết.

Ngoài ra, ba đài truyền hình của phe Hồi giáo, trong đó có một đài truyền hình của Tổ chức Anh em Hồi giáo, đã bị buộc phải ngưng phát sóng. Kênh truyền hình Al Jazeera của Ai Cập cho biết lực lượng an ninh đã tấn công trụ sở của kênh này và bắt giữ ít nhất 5 nhân viên, trong đó có 1 phóng viên. Các nhà quản lý của kênh Egypt25 của Tổ chức Anh em Hồi giáo cũng đã bị bắt giữ.

Các nguồn tin an ninh cho biết việc đóng cửa các đài truyền hình trong đó có đài Al-Hafiz và Al-Nas là do những đài này có liên quan đến phong trào Hồi giáo Salafi.

Hiện hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống Morsi vẫn đang tập trung ở phía Bắc Cairo, trong khi những người phản đối đã xuống đường tổ chức ăn mừng sự kiện Tổng thống Morsi bị phế truất. Đụng độ lớn đã xảy ra trong ngày 3/7 giữa những người ủng hộ và người phản đối Tổng thống Morsi, khiến ít nhất 16 người thiệt mạng và 70 người bị thương trên khắp cả nước.


TTXVN/Tin tức
Tổng thống Ai Cập bị lật đổ khiến Mỹ 'đau đầu'
Tổng thống Ai Cập bị lật đổ khiến Mỹ 'đau đầu'

Việc quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi có thể sẽ gây ra những tác động lớn tới mối quan hệ then chốt với Mỹ, quốc gia vốn có mối quan hệ chẳng mấy dễ dàng với chính quyền Ai Cập do một người Hồi giáo đứng đầu trong suốt một năm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN